Thứ Hai, 7/10/2024
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

 Quang cảnh hội thảo 

Ngày 5/4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực...

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm: “Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là đầu tư cho phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sóc Trăng là tỉnh ven biển, phía Nam sông Hậu, vùng đất có nhiều dân tộc cùng chung sống hòa thuận từ lâu đời, từ đó đã hình thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Sóc Trăng hiền hòa, mến khách.

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, văn hóa ẩm thực mang nét riêng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống của 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trên địa bàn.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về dân tộc trên địa bàn tỉnh… Tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Các chương trình, dự án và chính sách dân tộc được triển khai có hiệu quả; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc được chú trọng; giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy, gắn với phát triển du lịch văn hóa, lễ hội của tỉnh.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên (hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm 3-4%).

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Với mục tiêu “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn,” Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Hội thảo cũng làm rõ, bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu, phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu.

Kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội thảo lần này rất có ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Với tổng trị giá 137.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến đề xuất kiến nghị tại Hội thảo, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để có định hướng, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực nhằm triển khai Chương trình hiệu quả. Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay trong tháng 4 năm 2022.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng, đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 an yên, hạnh phúc; đồng thời mong muốn đồng bào, các vị chư tăng là người dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, bản sắc văn hóa tốt đẹp và truyền thống yêu nước; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tại hội thảo, Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank đã tặng quà cho hộ dân tộc thiểu số nghèo của 9 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng, mỗi tỉnh được trao 500 triệu đồng./.

(vietnamplus.vn)

 

Gửi cho bạn bè