Thứ Sáu, 13/9/2024
Đắk Lắk: Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”
 
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
tặng quà Tết cho các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động
và gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại tỉnh Đắk Lắk


Đắk Lắk là tỉnh có đông thành phần dân tộc (49 dân tộc), trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh, ngoài đồng bào DTTS tại chỗ còn có đồng bào DTTS từ các tỉnh khác di cư đến
. Tỷ lệ đồng bào DTTS theo tôn giáo cao, chiếm 40,5% trong tổng số tín đồ có tôn giáo. Tuy nhiên, dân tộc vốn là vấn đề nhạy cảm, vấn đề dân tộc, tôn giáo ở tỉnh có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hiện vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS nhận thức mơ hồ, nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch, tham gia khiếu kiện đông người, vượt biên trái phép. Đồng bào DTTS một số nơi còn giữ nếp nghĩ cũ, sản xuất chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số nơi vẫn còn tình trạng tự cung, tự cấp nên mặc dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng nhưng đời sống phần đông đồng bào DTTS vẫn gặp những khó khăn nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao, chiếm 62% số hộ nghèo toàn tỉnh; sự chênh lệch giàu nghèo giữa vùng đồng bào Kinh và vùng đồng bào DTTS còn khá xa; dân trí một số nơi không đồng đều...

Nhận thức đầy đủ, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này, trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm mang lại hiệu quả và tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong vùng DTTS nói riêng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện thường xuyên, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào DTTS tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào DTTS.

Các cơ quan chuyên môn đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo theo tiến độ; tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 5,1%, đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3-4%. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện có hiệu quả, bộ mặt các thôn, buôn có sự thay đổi tích cực.

Chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chế độ một cửa, phân công cán bộ DTTS trực tiếp hướng dẫn bà con giải quyết công việc thuận lợi, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là hoạt động tín dụng đen trong vùng đồng bào DTTS; phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các tổ chức phản động lợi dụng các vấn đề nhạy cảm dư luận quan tâm, đưa tin bài sai sự thật về tình hình hình dân tộc, tôn giáo, công tác phòng, chống COVID-19, kết quả bầu cử các cấp… Đồng thời, tổ chức thăm và tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong vùng đồng bào DTTS; tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, hạn chế tình trạng vượt biên trái phép. Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh, xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tiếp tục được giữ vững.

Đặc biệt, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trước sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19, hệ thống chính trị các cấp đã chủ động tham mưu triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong vùng đồng bào DTTS. Toàn tỉnh kêu gọi các tổ chức tôn giáo và nhân dân ở vùng đồng bào DTTS ủng hộ hàng trăm tấn hàng hóa, trị giá hàng chục tỷ đồng và đóng góp hàng trăm triệu đồng cho tuyến đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch. Riêng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kịp thời huy động các nguồn lực hỗ trợ tiêm vắc xin cho người dân, 21 tấn gạo, bình ôxy, thuốc điều trị bệnh COVID-19 và một số trang thiết bị y tế,…; hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nhân dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; phối hợp với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương giải quyết việc làm cho lao động trở lại làm việc. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch COVID-19 của tỉnh cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới và số ca tử vong trong vùng đồng bào DTTS giảm nhiều so với thời gian đầu, tỷ lệ đồng bào DTTSđã tiêm 2 mũi vắc xin cao, từ đó giúp đồng bào DTTSbớt hoang mang, lo lắng và yên tâm lao động sản xuất.

Ngoài ra, công tác kiện toàn củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm. Công tác phát triển đảng viên là người DTTS tiếp tục được chú trọng; đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm vào các vị trí, chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị. Đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể DTTS ngày càng tăng, thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chính sách của Nhà nước.

Từ thực tiễn thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; thường xuyên quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo và vai trò của công tác dân vận để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, nhất là công tác dân vận của chính quyền. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có công tác dân vận vùng đồng bào DTTS.

Hai là, thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; chủ động định hướng dư luận xã hội; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS để từ đó phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc của đồng bào dân tộc, đồng bào dân tộc theo tôn giáo; cương quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Ba là, các cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ động thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS; rà soát, tham mưu bổ sung, sửa đổi kịp thời những chính sách không phù hợp trong thực tiễn thực hiện các chính sách dân tộc. Nêu cao trách nhiệm của cán bộ chính quyền các cấp trong giải quyết các thủ tục hành chính cho đồng bào DTTS. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người.

Bốn là, kịp thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong vùng đồng bào DTTS; sâu sát cơ sở, hiểu được cuộc sống người dân; phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các hoạt động hướng dẫn đồng bào chủ động vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Tích cực tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả trong lao động, sản xuất ở vùng đồng bào DTTS; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình đồng bào DTTS giỏi trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo sự lan tỏa và phong trào rộng khắp, thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

H’Kim Hoa Byă, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất