|
Tiếng khèn réo rắt khắp nóc bản, đỉnh núi báo hiệu cuộc sống
của đồng bào người Mông ở Thái Nguyên ngày càng khởi sắc
|
Từ xu hướng di cư của đồng bào Mông ở Thái Nguyên
Trước và sau năm 1980, Thái Nguyên là một trong những tỉnh tiếp nhận một lượng lớn các dòng người Mông từ Cao Bằng di cư tự do về kiếm kế sinh nhai. Những xóm, bản người Mông, với những cái tên mộc mạc như Khuổi Mèo, Mỏ Ba, Chòi Hồng, Khe Mong, Tam Va, Bản Tèn, Na Sàng, Lũng Cà..., chỉ nghe tên thôi đã thấy vời vợi một nỗi niềm.
Là người nhiều tuổi nhất bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, ông Đào Văn Thào cũng chính là một trong những người Mông đầu tiên trồng cây ớt ở mảnh đất này. Ông Thào kể với chúng tôi mà cứ như tâm sự với chính mình: “Theo tục, người Mông đi đến đâu cũng trồng cây ớt; khi quả ớt hết cay, người Mông sẽ rục rịch lên đường tìm vùng đất mới”. Đã hơn 40 mùa trái ớt vẫn cho vị cay lẫn với vị đắng của đời người, nên ông Thào đã bén duyên với Lũng Luông và không còn di cư đi tìm miền đất hứa nữa.
Năm 1979, bà Dương Thị Thía lúc ấy mới tròn 30 tuổi cùng chồng dắt díu theo 4 con thơ rời quê hương Hà Quảng, Cao Bằng về xóm Mỏ Ba thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Thấm thoắt đã mấy chục mùa rẫy, chồng bà cũng đã về với tiên tổ, thế nhưng bà vẫn nhớ như in những ngày đầu tới khai phá đất này. “Không có ngọn núi nào cao bằng đầu gối người Mông”. Với đôi chân quấn xà cạp, với cây dao phạt lối trong tay, bà Thía cũng như bao người Mông khác đã gắn đời mình với núi rừng, chinh phục những vùng đất hoang vu nhất. Để bám vào đất, cấu vào đất và cày lên thớ đất, những bóng người nhỏ bé cứ chênh vênh chân duỗi chân quỳ trên triền dốc đứng, chênh vênh như chính phận đời của họ.
Hệ quả từ những đợt di dời vì sinh kế của đồng bào Mông về Thái Nguyên là gia tăng dân số cơ học nhanh. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số Việt Nam, năm 1979, Thái Nguyên có 644 người Mông, đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có gần 11.000 người Mông sinh sống. Điều này tạo ra những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội như tỷ lệ đói nghèo cao, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ quá dày, đẻ nhiều, suy dinh dưỡng nặng, mù chữ, bản sắc văn hóa bị mai một..., người dân không được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi về pháp lý. Cùng với đó là những tác động tiêu cực đến an ninh trật tự trên địa bàn như quản lý hộ khẩu, quản lý di dân cả nơi đến và nơi đi đều rất khó khăn.
Hoàn cảnh sống cơ khổ của đồng bào, khó khăn, biệt lập, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế, đã tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tuyên truyền về tà đạo, mê tín dị đoan, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị và quốc phòng, an ninh. Cá biệt là tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo bà con, để rồi nhiều hộ đồng bào Mông lâm vào hoàn cảnh khốn khổ, bi đát.
Định canh, định cư và nỗ lực thoát nghèo
Từ trung tâm các xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc 4 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương, nhìn bốn bề đều thấy núi. Ấy thế mà trong những năm gần đây, từng cung đường dốc cao “thúc gối vào ngực” đã được Nhà nước đầu tư để hạ cấp, đổ bê tông, nhiều tuyến đường đã lựa thế núi, chẻ núi dẫn về từng thôn bản. Các đoàn công tác theo đường mòn, ngược dốc “cõng” các chương trình, dự án của Nhà nước về hỗ trợ đồng bào. Theo con đường ấy là biết bao câu chuyện đổi đời của người Mông ở Thái Nguyên.
Anh Lý Văn Sài ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với chúng tôi: “Nhà mình trước kia chỉ sống bằng nghề chặt củi đốt than trên những đỉnh núi cao, không có đất canh tác, ai gọi đi làm gì thì làm nấy, vợ con nheo nhóc vì thiếu ăn; được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của chính quyền địa phương, nhà mình giờ đã khá hơn nhiều rồi, cái đói, cái nghèo giờ chỉ là trong tiềm thức thôi”…
Thượng tá Bùi Quốc Phong, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lương, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mới đầu bà con chưa có kinh nghiệm trồng lúa nước, anh em trong đơn vị đã tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ hướng dẫn bà con cách thâm canh lúa nước; nơi đất dốc thì trồng rừng; đất cao thì trồng ngô, trồng cây ăn quả và đặc biệt là trồng chè. Với phương thức chuyển giao là “cầm tay chỉ việc”, chọn hộ và nhóm hộ gia đình làm thí điểm, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng, giúp đồng bào Mông nơi đây xóa đi phương thức canh tác lạc hậu xưa cũ, cũng như vị trí độc tôn của cây ngô trong tâm thức đồng bào.
Bà Vi Thị Sản, ở xóm Pác Máng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có 2ha đất ruộng, từ 3 năm nay, bà cho máy san ủi, đắp bờ trữ nước thành lòng hồ. Hồi mới làm xong, hồ cạn trơ đáy, bà làm đất gieo lúa, đợi mưa xuống thì mua cá giống về thả. Toàn bộ số lúa gieo dưới hồ trở thành thức ăn tại chỗ nuôi béo cá. Đến vụ mùa, bà tháo nước bắt được hơn 1 tấn cá cho thu nhập cao, sau đó gieo cấy lúa vụ mùa lấy thóc ăn cả năm. Không cho đồng tiền được nghỉ ngơi, bà bắt nó sinh lời bằng việc đầu tư nuôi thêm lợn thịt. Kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn.
Rồi ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên nhiều người biết về ông Hoàng Văn Bình được mệnh danh là người nuôi trâu “khủng”. Ông thường tìm mua những loại trâu lớn, trâu chọi để nuôi gột vỗ, có năm bán được hơn 10 con với giá bán trung bình 60 - 70 triệu đồng/con. Bí quyết làm giàu của ông Bình không phải là điều gì đó phức tạp, mà chính là kết quả của sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và nhận thức đó là cần cù, chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm, không để trâu, bò bị đói thì bụng mình được no.
Các hộ gia đình noi gương nhau, các xóm, bản cũng thi đua với nhau làm kinh tế. Mấy năm gần đây, xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, bà con hồ hởi bảo nhau trồng thí điểm cây đinh lăng và ba kích. Đây là 2 loại cây dược liệu không kén đất, chi phí đầu tư thấp mà bán được giá cao với thị trường tiêu thụ ổn định. Rồi làm kinh tế hộ gia đình hay kinh tế thôn bản, đồng bào Mông đều tự tin thử sức mình, bởi vì đồng hành cùng bà con, luôn có những màu áo xanh mướt mải mồ hôi, có sự động viên, khích lệ chân thành và nhiệt tình của bộ đội địa phương; các anh luôn bám bản, giúp đỡ đồng bào không để bị lùi lại phía sau trong cuộc chiến xóa đói nghèo.
An cư lạc nghiệp
Từ khi có nhà văn hóa, bà con người Mông ở bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai như xích lại gần nhau hơn, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà gắn bó khăng khít hơn. Mặc dù mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, nhưng sau chuỗi ngày vất vả mưu sinh, bà con kéo đến nhà văn hóa bản để được nghe cán bộ phổ biến kiến thức mới về khuyến nông, trồng trọt chăn nuôi. Thiếu tá Đào Chí Thông, cán bộ Dân vận Ban Chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai là người dân tộc Mông, anh hiểu nên đã lặn lội vượt đèo, dốc vào với bà con vừa là để bám nắm tình hình địa bàn vừa tranh thủ tuyên truyền các hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh cho bà con dân bản; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, anh được bà con coi như người của bản.
Cùng chuyến vào Lũng Luông với đoàn cán bộ Quân khu 1 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai Lương Thị Mỹ Chải với dáng người trẻ trung, thư sinh nhưng lại là người có thâm niên bám bản. Với bước chân nhanh nhẹn, chị dẫn đoàn công tác vượt đèo, lội suối đến với bà con bản người Mông Lũng Luông. Không giấu được niềm vui, Chị Chải cho biết: Trong những năm gần đây, xã đã đề xuất lên các cấp có thẩm quyền nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào người Mông; đã có nhiều mô hình được triển khai cho hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được bà con nhân rộng, trở thành động lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con người Mông.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua với sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa Tỉnh ủy Thái Nguyên với Bộ Tư lệnh Quân khu 1, vấn đề du canh, du cư ở tỉnh Thái Nguyên đã được giải quyết khá triệt để; đời sống của hơn 10.000 bà con đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh lân cận đến với Thái Nguyên hiện nay đã có nhiều khởi sắc; tỉnh sẽ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng trong quá trình hòa nhập cộng đồng xây dựng Thái Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh…
Nhìn lại mấy mươi năm đi qua đời người, biết bao hộ đồng bào Mông cực nhọc mưu sinh mà lòng thao thức nhớ tiếng khèn. Ngỡ rằng, thứ âm thanh của quê hương sẽ chẳng bao giờ được cất lên ở một miền đất khác, thì nay, tiếng khèn kỳ diệu ấy lại được tái sinh, ru hồn người mê đắm tìm về những giá trị xưa cũ. Bao năm vắng bóng tiếng khèn, cộng đồng người Mông ở Thái Nguyên đã tự viết lên bằng chính nghị lực và đôi bàn tay lao động của mình. Để rồi hôm nay, lúc nông nhàn, họ đã có thể thảnh thơi ngơi tay cày, tay cuốc mà nắn nót phím khèn. Vang trong không gian mênh mang của núi rừng, khèn kể về những cơ cực của kiếp người sống đời du canh, du cư, mải miết đuổi chim, tìm thú; khèn cảm động vì những chính sách định canh định cư của Nhà nước, của Quân đội dành cho đồng bào; khèn réo rắt tươi vui gieo hy vọng về cuộc đời ấm no bền vững cho muôn đời con cháu mai sau./.
Khương Doãn