|
Các đồng chí chủ trị Hội nghị
|
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc cùng 50 cá nhân đại diện cho hàng nghìn người uy tín tiêu biểu là người dân tộc M’Nông, Ê Đê, Tày, Thái, Kinh, Bhana, Xơ Đăng, Rơ Ngao, Gia Rai, Hà Lăng, Sơ Rá, Mạ, Hoa, Cơ Ho, Chu Ru trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng.
Sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình thức vận động, tập hợp quần chúng nhân dân
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Từ nhu cầu thực tiễn của công tác dân tộc, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các DTTS; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao vai trò và vị trí, trách nhiệm của đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã vận dụng cụ thể vào tình hình của từng địa phương, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào DTTS sinh sống ở 463 huyện, 5.453 xã và gần 50 ngàn khu dân cư thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu đề dẫn Hội nghị
|
Tiêu biểu, MTTQ các cấp ở vùng đồng bào DTTS đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tập hợp, vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính sâu rộng toàn dân, toàn diện, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”… đạt được những kết quả tích cực trên cơ sở hướng địa bàn khu dân cư. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã được sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.
“Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi còn một số tồn tại như phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; một bộ phận đồng bào nhận thức chưa đầy đủ về chính trị - xã hội, ý thức chấp hành và thủ pháp luật còn nhiều vấn đề đáng quan tâm,…
Chính vì vậy, Hội nghị tiếp xúc với đại diện đồng bào DTTS các tỉnh khu vực Tây Nguyên là dịp để Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đồng bào đối với quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các chương trình kinh tế - xã hội hiện đang triển khai ở địa phương nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, từ đó tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh, với Đảng và Nhà nước.
Quan tâm hơn tới những người “ăn cơm nhà làm việc nước”
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm hoạt động của người có uy tín tiêu biểu. Các ý kiến, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, MTTQ đề nghị tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự; những khó khăn bất cập khi triển khai các chính sách của Nhà nước ở địa phương.
|
Già làng HMrik, người uy tín tiêu biểu làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai phát biểu
|
Già làng HMrik, người uy tín tiêu biểu làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai chia sẻ, trải qua 18 năm làm già làng và luôn được nhân dân, bà con yêu mến, tin tưởng thông qua việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ phát động theo hướng thiết thực, gắn với thực tế của bà con trên địa bàn. Từ những hoạt động này, ông đã tổ chức biểu dương, khen thưởng các vị già làng, người uy tín hàng năm, hàng tháng để động viên các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp hơn nữa để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn.
Tuy nhiên, điều Già làng Hmrik còn trăn trở khi hiện nay kinh phí hỗ trợ và việc cấp thẻ bảo hiểm hàng năm cho người uy tín vẫn còn hạn chế, bởi vậy ông muốn thời gian tới Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới những người “ăn cơm nhà làm việc nước” để tiếp thêm động lực cống hiến cho công tác vận động đồng bào tại cơ sở.
Bà H’Bliăk Niê, người uy tín buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ niềm vui khi đời sống của bà con trong buôn được nâng lên thông qua chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Mặt trận. Đây là cơ hội để đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã có cơ hội để thoát nghèo. Song song với đó, nhân dân trong buôn cũng tích cực hưởng ứng chương trình tiết kiệm làm theo lời Bác để góp thêm nguồn lực hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn vươn lên thoát nghèo.
Với vai trò của mình, bà H’Bliăk Niê cùng với người có uy tín trên địa bàn cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào đi xuất khẩu lao động và làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước để bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cùng với đó, theo chương trình nông thôn mới, đời sống tinh thần của bà con được nâng lên, các thiết chế như nhà văn hóa, đường nông thôn được cải thiện; việc duy trì bản sắc văn hóa của từng dân tộc được gìn giữ khi hàng tuần bà con trong thôn được tụ tập tại nhà văn hóa để cùng nhau sinh hoạt văn hóa.
“Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và chương trình xây nhà ở cho hộ nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đồng bào trong buôn. Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên những thôn khó khăn để đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; đồng thời cần quan tâm tới việc đảm bảo chế độ, chính sách đào tạo nghề cho đồng bào vùng DTTS; quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đồng bào”, bà H’Bliăk Niê kiến nghị.
Ông A BóK, thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (người dân tộc Sơ Rá) bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để thu hút các nhà máy, khu công nghiệp đến hoạt động trên địa bàn. Đây là cơ hội để giúp con em đồng bào Tây Nguyên có việc làm, cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống.
Cùng với đó, ông A BóK mong muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả Vùng Tây Nguyên nói chung, để đồng bào được tận hưởng những tiện ích mà chương trình mang lại.
|
Quang cảnh Hội nghị
|
Ở góc độ khác, ông Y Yăm, người dân tộc M’Nông huyện Đắk Mi, tỉnh Đắk Nông bày tỏ lo lắng về giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm.. đang tăng cao; việc tiếp cận vốn của đồng bào gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xây dựng nông thôn mới mới chỉ dừng lại ở nhà văn hóa cộng đồng, trong khi đó sân chơi cho các cháu thiếu nhi, sân chơi cho bà con trong thôn chưa có; con em đồng bào không có nhiều cơ hội việc làm;..
Ông Cil Duin, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (người dân tộc Cơ ho) bày tỏ tâm tư về những trở ngại đối với việc tuyển sinh ở các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú khi đối tượng tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là con em đồng bào tại các xã vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế, khi các xã đã về đích nông thôn mới thì một số vùng được công nhận không còn khó khăn và đối tượng tuyển sinh bị thu hẹp. Bởi vậy, ông Cil Duin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa lại nội dung Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT để tạo điều kiện cho các em học sinh vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn có cơ hội học hành và tạo cơ hội việc làm cho các em sau này.
“Khi Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, Trung ương cần ban hành kế hoạch giám sát để chính sách thực sự thiết thực và được triển khai thực chất trên địa bàn”, ông Cil Duin nói.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự cũng kiến nghị về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con không bán đất, đổi lấy lương thực; mong muốn các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng "vùng trũng nguồn nhân lực".
Đại biểu tham dự cũng kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chợ truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa là nơi giao thương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch./.
(daidoanket.vn)