(Danvan.vn) Nước Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), mỗi dân tộc lại có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và phong phú.
|
Lễ hội Tết Nguyên Tiêu của đồng bào Hoa tại TP. Hồ Chí Minh
|
Từ thế kỷ XVII, Nam bộ là địa bàn tụ cư khá đông đúc của những người Hoa từ phía Nam Trung Hoa sang Việt Nam định cư. Nhiều cộng đồng người Hoa thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, đã tập trung tại Cù Lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai và vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay. Trong quá trình định cư, người Hoa đã quần tụ đầu tiên taị các hội quán, do nhiều người trong cùng một nhóm ngôn ngữ đứng ra xây dựng. Sự quần cư đó xuất phát từ ý thức đoàn kết, bảo vệ, cố kết chặt chẽ cuả cộng đồng Hoa trước một hoàn cảnh xã hội mới. Từ đặc điểm di dân này người Hoa có nhu cầu tha thiết về mặt tinh thần, có nơi thờ tự, một ngôi miếu nhỏ bên cạnh hội quán để tạ ơn thánh thần đã phù hộ họ trên đường đi được thuận buồm xuôi gió, có nơi để thắp nén hương hướng về ông bà tổ tiên, trời Phật ở quê cũ. Chính vì nhu cầu tinh thần như vậy nên trong qúa trình định cư tại vùng đất Nam bộ, người Hoa dựng miếu, chùa để thờ tự những vị thần có công hỗ trợ họ trên con đường di dân và định cư được an lành. Đề cập đến tín ngưỡng của người Hoa ở Nam Bộ, bộ phận quan trọng nhất phải kế đến chính là những đối tượng được thờ phổ biến và có tính chất cộng đồng cao, đó là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Phúc Đức Chính Thần, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Táo Quân, Thổ Địa... và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Những ngày lễ hội diễn ra trên địa bàn Nam bộ tại các chùa miếu ấy thể hiện sinh động về một cuộc sống an cư lạc nghiệp.
Lễ hội Nguyên Tiêu là một trong số những lễ hội truyền thống của văn hóa Trung Hoa mà di dân người Hoa mang theo trong hành trang đến vùng đất Nam Bộ. Đến vùng đất mới định cư người Hoa đã sắp xếp những hành trang văn hóa cho phù hợp, thích ứng với cuộc sống mới, trong một không gian văn hóa mới. Ở khu vực Chợ Lớn của thành phố Sài Gòn trước đây, là nơi người Hoa tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu đông đảo, tập trung nhất. Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu vẫn được tổ chức ở các điểm tụ cư hoặc ở các đền miếu của người Hoa khắp vùng Nam Bộ. Đặc biệt là lễ hội Nguyên Tiêu được tổ chức ở Quận 5, nơi vùng Chợ Lớn thuộc thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo sự tham dự của người Hoa, cũng như các dân tộc khác và du khách đến từ nhiều nơi.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu cũng bao hàm sự thờ cúng các thần. Đối với người Hoa Nam bộ, Tết nguyên tiêu không chỉ thuần túy là thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các bậc thần linh, cầu mong cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ vài ngày đêm trước rằm. Đêm 15 tháng giêng còn được gọi là Nguyên dạ, người dân thường thức suốt đêm để cúng lễ nơi đền, miếu, dạo chơi ngoài đường. Vào dịp tết Nguyên tiêu, nhất là trước chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, Quỳnh Phủ Hội quán… Đường phố, nhà cửa, đền miếu của người Hoa trong khu vực được trang hoàng đẹp đẽ, đèn lồng đỏ treo thành dãy dài, màu sắc rực rỡ. Các đền miếu của người Hoa cũng có nhiều người đến thắp nhang, xin tài lộc, bình an, may mắn. Các đội múa lân, múa sư, múa rồng…, các nghệ nhân biểu diễn đi cà kheo, đóng vai bát tiên chúc phúc đi đến từng nhà, từng cửa hàng… cầu chúc cho chủ nhân và mọi người nhiều may mắn. Đường phố trong khu vực có đông người Hoa sinh sống trở nên rộn ràng, sôi động, mọi người tươi cười, phấn khởi chúc mừng cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Các cuộc vui chơi, giải trí của bà con người Hoa cũng được tổ chức ở các cơ sở tín ngưỡng, hội quán như viết thư pháp, hội họa, đấu cờ tướng, đấu giá đèn lồng v.v… Nhiều đèn lồng được đấu giá với số tiền lớn, người thắng đấu giá được đèn lồng xem đó là sự may mắn. Số tiền thu được sau cuộc đấu giá đèn lồng sẽ nộp vào quỹ từ thiện của cơ sở tín ngưỡng để giúp đỡ người nghèo, làm học bổng cho trẻ em hiếu học, gặp khó khăn… Một tập tục thú vị trong dịp Nguyên Tiêu là các gia đình người Hoa đều làm món bánh trôi nước. Người Hoa tin rằng ăn bánh trôi nước trong dịp lễ này thì mọi việc sẽ được hanh thông, trôi chảy.
Bên cạnh sinh hoạt có tính cộng đồng của dân tộc Hoa, còn có sự tham gia nhiệt tình của cả các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer. Từ bao đời nay, trong lịch sử định cư của người Hoa tại Nam bộ, quá trình hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc khác ngày càng rõ nét, thể hiện qua giao lưu văn hóa, qua phong tục tập quán, qua sự cộng cư... Lễ hội Tết nguyên tiêu góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc thù của cộng đồng mình với các dân tộc khác. Sự đồng cảm, giao lưu qua văn nghệ, qua tín ngưỡng đã giúp tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1999, Lễ hội Tết nguyên tiêu được tổ chức thành hoạt động diễu hành nghệ thuật trên đường phố, thu hút hàng ngàn diễn viên quần chúng và gần 20 đoàn nghệ thuật, các câu lạc bộ múa lân sư rồng tham gia. Đây có thể coi là một lễ hội đường phố lớn nhất tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh) nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, được đông đảo người dân mong đợi theo dõi hàng năm. Từ năm 2000, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục các lễ hội của TP Hồ Chí Minh.
Vì những ý nghĩa quan trọng đó mà “Tập quán xã hội và Tín ngưỡng Tết nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, TP Hồ Chí Minh” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020.
Năm nay, không khí diễu hành mừng Nguyên tiêu 2023 tưng bừng hơn mọi năm với sự tham gia của hơn 1.200 diễn viên quần chúng đến từ 20 đoàn biểu diễn nghệ thuật và lân sư rồng cùng tụ hội. Nhiều tiết mục biểu diễn có sự đổi mới và nhiều diễn viên tham dự hơn những năm trước. Đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh, người dân các tỉnh, thành Nam bộ và du khách quốc tế đã đến chung vui với đồng bào Hoa. Các ban ngành, đoàn thể TP Hồ Chí Minh cũng như chính quyền Quận 5 đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản trị các hội quán trong công tác tổ chức, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho lễ hội được diễn ra tốt đẹp.
Tết Nguyên Tiêu chỉ là một trong số 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm ở Việt Nam. Thực tế không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Cũng có thể nói rằng chính lễ hội thúc đẩy con người sống đẹp hơn, xã hội phát triển hơn, đời sống ngày càng nâng cao và hòan thiện. Ngược lại đời sống phát triển cũng tạo điều kiện cho lễ hội được duy trì tồn tại với nội dung ngày càng phong phú, đa dạng thêm. Thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân không phân biệt dân tộc nào là nguồn động to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế là chủ trương và đường lối đúng đắn của Đảng ta. Ðiều đó cũng cho thấy Ðảng và Nhà nước đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đa dạng các hoạt động lễ hội tín ngưỡng là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Không chỉ đối với đồng bào Kinh, quy mô và hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác cũng ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm./.
Bùi Thị Kim Định
(Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP Hồ Chí Minh)