Tỉnh Đồng Nai có trên 198 nghìn người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 6,42% số dân toàn tỉnh. Chủ yếu là dân tộc Chơ-ro, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Khmer, Chăm… sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Do vậy, một bộ phận đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận những thông tin khoa học- kỹ thuật, các loại ấn phẩm tuyên truyền vẫn còn hạn chế, dẫn tới trình độ dân trí thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.
Người có uy tín là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân
Phát huy vai trò nòng cốt, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng và chính quyền địa phương, người uy tín thường xuyên gặp gỡ, trau đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số. Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, người có uy tín đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, giải thích để bà con dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phong trào “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”… Đồng hành với chính quyền, người có uy tín còn thường xuyên tuyên truyền vận động thanh niên tham gia các hoạt động và các phong trào của địa phương, tránh xa các tệ nạn xã hội; vận động 99 thanh niên người dân tộc thiểu số thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự; tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn nội bộ, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.
|
Đồng chí Nguyễn Sơn Hùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho đại biểu người có uy tín,
tại Lễ Tuyên dương nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi dân tộc thiểu số tiêu biểu
tỉnh Đồng Nai lần thứ II năm 2022
|
Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở. Họ đảm nhiệm các chức vụ như: trưởng ấp, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể, tham gia các tổ hòa giải, tổ an ninh, đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã… qua đó, người có uy tín đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương. Họ vận động nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Các vị già làng, người uy tín có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc giải thích vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, vận động người dân tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn trật tự khu dân cư”.
Thực hiện tốt công tác dân vận, người uy tín đã giúp bà con hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động thi đua, lao động sản xuất, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Người uy tín đã phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể hăng hái tích cực trên mọi lĩnh vực, phong trào thi đua yêu nước, như “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo” với các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương.
Phối hợp với chính quyền, người có uy tín cùng người dân tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc như bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, như: biểu diễn cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, hát đối đáp trong đồng bào dân tộc. Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân trong địa bàn, người uy tín đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, không theo và truyền đạo trái phép. Việc thực hiện nếp sống văn minh như việc cưới, việc tang và lễ hội. Đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, an toàn vệ sinh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, người uy tín đã áp dụng các mô hình sản xuất mới. Họ luôn đi đầu trong việc tham gia học tập kinh nghiệm lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất. Họ cũng biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, người uy tín trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn 4.846 phần quà, với tổng kinh phí là 991.590.000 đồng.
Tổng số trên 200 người có uy tín, thì có 27 người là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Họ không chỉ luôn gương mẫu trong việc tham gia học tập kinh nghiệm trong lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất, mà còn biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bản thân người có uy tín còn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo bền vững và không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước. Bên cạnh đó, người có uy tín còn tham gia tích cực vào phong trào “tương thân, tương ái”, vận động giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.
Phó Bí thư, trưởng ấp, hộ kinh doanh giỏi, người có uy tín người dân tộc Tày ở xã Phú Tân, huyện Định Quán- ông Hoàng Văn Thanh chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 100 con dê, mỗi năm bán dê được trên 200 triệu đồng, việc mua bán tạp hóa mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Tôi còn vận động người dân trồng và chăm sóc 6km cỏ lạc ven đường, duy trì bảo dưỡng 5km đèn đường. Tính riêng năm 2022, tôi đã vận động được 100 phần quà trị giá hơn 30 triệu từ các mạnh thường quân, kịp thời hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn trong dịp tết nguyên đán và các ngày lễ trong năm. Tôi cũng đề xuất xây dựng một nhà tình thương trị giá 70 triệu, sửa chữa một nhà trị giá 10 triệu đồng. Thực hiện tốt công tác dân vận, tôi đã vận động gây quỹ “vì người nghèo” được tổng cộng 2,800,000đ và đề xuất cấp dê giống cho 5 hộ dân tộc thiểu số, mỗi hộ 3 con trị giá 10 triệu đồng”.
Hay như ông Điểu Khánh, một người có uy tín cũng là hộ sản xuất giỏi (người dân tộc Chơ-ro ở ấp 94, xã Túc Trưng, huyện Định Quán), cho biết: “Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác của địa phương. Ngoài việc chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương, trong những năm qua tôi đã tìm tòi học hỏi áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi 10.000 con lươn. Thu nhập mỗi năm từ nuôi lươn của gia đình tôi là 180.000.000đ/ năm và 8 con heo lai thu nhập trên 20.000.000đ/ năm. Gia đình tôi còn nuôi thêm 15 con dê, cho thu nhập trên 30.000.000đ/ năm, nên phần nào cải thiện được cuộc sống gia đình. Là người có uy tín và có kinh nghiệm trong chăn nuôi, hằng năm, tôi luôn hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cũng như con giống cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp giúp bà con ổn định và vươn lên xóa nghèo”.
Điểm sáng trong thực hiện chính sách
Nhờ tích cực triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay cơ cấu kinh tế vùng dân tộc đã phát triển theo hướng tích cực: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng phù hợp, các mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dần được cải thiện. Vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư được nâng lên. Những hoạt động của người có uy tín đã góp phần vào việc hỗ trợ, giúp nhau lúc khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc. Từ đó, góp phần giữ vững được an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể nói, hoạt động của đội ngũ người có uy tín trong những năm qua đã góp phần to lớn đối với sự ổn định và phát triển của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ghi nhận những kết quả đóng góp trên của người có uy tín, cùng với Đảng và Nhà nước, tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm, như: tổ chức thăm hỏi khi bị ốm đau, gia đình gặp khó khăn hoạn nạn hay trong các dịp lễ, tết truyền thống; vinh danh người có uy tín tại các Lễ tuyên dương, Họp mặt hàng năm; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho người uy tín trong thực hiện công tác dân tộc. Người có uy tín còn được cấp phát báo và được đưa đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các tỉnh trong nước. Riêng năm 2022, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh trao tặng 08 bằng khen, biểu dương 60 người có uy tín tiêu biểu xuất sắc trong Lễ Tuyên dương nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ II; tặng giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc cho 70 người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc …
Đặc biệt nhất và cũng là điểm sáng trong việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín của tỉnh chính là hỗ trợ kinh phí hàng tháng với mức 800.000/tháng/người. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khi chưa có thẻ Bảo hiểm Y tế, theo Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2022./.
Thúy Hạnh