Thứ Bảy, 7/12/2024
“Đòn bẩy” phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 35,44% tổng dân số, trong đó có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình. Theo đồng chí Lý Rotha - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, xác định Chương trình đóng vai trò quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan Thường trực của Chương trình đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình, đồng thời tổ chức rà soát nhu cầu và đối tượng thụ hưởng chính sách tại địa phương.


 Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế
nhờ được hỗ trợ chuyển đổi nghề

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là chức sắc, tôn giáo, ban quản trị của chùa, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình, quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia thực hiện Chương trình, tự lực phấn đấu vươn lên bên cạnh sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước và cộng đồng.

Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, trách nhiệm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đến cuối tháng 1/2023, toàn tỉnh đã giải ngân trên 124 tỷ đồng vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Từ đó đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc như: đầu tư xây dựng 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình nâng cấp mạng lưới chợ, 4 công trình nước tập trung.

Huyện Trần Đề là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số. Thời gian qua, huyện đã giải ngân trên 9 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án 1: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc Dự án 4 của Chương trình), qua đó đã triển khai xây dựng 10 công trình giao thông nông thôn, góp phần tạo diện mạo khang trang cho vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.

Bà Tăng Thị Sol, ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú (Trần Đề) cho biết: “Trước đây, cây cầu Tà Óc cũ nhỏ hẹp, xuống cấp nên không đảm bảo an toàn trong lưu thông. Nay được Đảng, Nhà nước đầu tư cây cầu mới kiên cố, rộng rãi, đảm bảo an toàn trong lưu thông, nhất là phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trong ấp và các ấp lân cận nên người dân nơi đây rất phấn khởi”.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Kết quả, từ nguồn vốn Chương trình, các địa phương trong tỉnh đã giải ngân vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 268 hộ và hỗ trợ 11 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Khi Thủ  tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ, các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ.

Là đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề, chị Lý Thị Út, ấp Tam Sóc B2, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú rất phấn khởi khi có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Chị Út cho biết: “Trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân tôi cảm thấy rất vui. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ là động lực, điều kiện để gia đình tôi phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”. Còn chị Phạm Thị Tám, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú cũng vui mừng không kém khi gia đình chị được hỗ trợ bồn chứa nước 2.000 lít. Chị Tám chia sẻ: “Trước đây, nước sinh hoạt chủ yếu chứa trong lu, khạp nên chứa được khá ít, sử dụng trong 1 - 2 ngày là hết. Nay được hỗ trợ bồn chứa 2.000 lít nên sử dụng thoải mái hơn. Ngoài ra, bồn này có nắp đậy nên hạn chế tối đa muỗi, lăng quăng”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đông đồng bào dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tin tưởng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, tạo “đòn bẩy” phát triển vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

(baosoctrang.org.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất