Thứ Hai, 27/1/2025
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận về công tác dân tộc trong tình hình mới
 
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc 


Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát. Dự buổi làm việc về phía tỉnh Ninh Thuận còn có các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và một số ban, sở, ngành của tỉnh.

Xác định công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội miền núi là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác này và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về công tác dân tộc trong tình hình mới được nâng cao; năng lực lãnh đạo, điều hành có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển khá toàn diện. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Các chính sách giáo dục, y tế, dạy nghề, giải quyết việc làm… được quan tâm đẩy mạnh giúp nâng cao dân trí, sức khỏe, cải thiện đời sống, giảm nghèo cho bà con. Diện mạo vùng đồng bào dân tộc có nhiều đổi mới. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc được giữ gìn, phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, phát triển đoàn viên, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có hơn 22.280 đảng viên, trong đó có 3.510 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ý thức chủ động tự vươn lên trong lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững; tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới; thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc còn nhiều hạn chế, khó khăn. So với với mặt bằng chung của tỉnh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển còn chậm, chưa bền vững. Đời sống của của người dân vẫn còn khó khăn.Tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn hạn chế. Ngoài ra, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các xã miền núi thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới từ xã khu vực III, khu vực II xuống xã khu vực I sẽ không hưởng các chế độ chính sách an sinh xã hội như trước nên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương góp phần giúp tỉnh thực hiện công tác dân tộc trong thời gian qua. Đồng chí giải trình, làm rõ thêm với Đoàn khảo sát một số khó khăn, hạn chế, các nhiệm vụ, giải giáp trong thời gian tới nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa Kết luận số 65-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng chí mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, nhất là bổ sung, tập trung nguồn vốn giúp tỉnh đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất đa dạng sinh kế, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đồng thời, xem xét bổ sung, điều chỉnh một số chính sách về nhà ở, đất ở... phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Dân vận Trung ương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, kết quả đạt được của tỉnh trong thực hiện Kết luận số 65-KL/TW thời gian qua. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt phân cấp, phân quyền; khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương nói chung và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

(baoninhthuan.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác