Hay như gia đình ông Phạm Văn Phúc và gia đình bà Quách Thị Hồng cùng nhiều gia đình khác ở thôn Quang Bái, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã làm đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để nhường bớt tiền hỗ trợ cho những gia đình nghèo khác. Sở dĩ có chuyện này là vì trong năm qua, những hộ gia đình này đã rất cố gắng, nỗ lực tự thân xóa đói giảm nghèo bằng cách bên cạnh một phần vốn hỗ trợ của Chương trình 135, các hộ này đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, tự chủ động tiếp cận với các phương thức làm ăn mới và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống đã dần khấm khá. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tập trung cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững, nên đến nay tỷ hộ nghèo của xã Quang Trung chỉ còn 12,1%. Có thể thấy, cái được lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở đây là không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Qua những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo đã trở thành động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.

Không chỉ trao quyền nhiền hơn cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, mà Chương trình 135 cũng trao quyền nhiều hơn cho chính quyền cấp cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giàm nghèo. Anh Ma Văn Sênh, cán bộ thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắc Nông sau khi tham gia lớp tập huấn 4 ngày về công tác xóa đói giảm nghèo cho biết sau khi được tập huấn các kiến thức cần thiết, bổ ích, nắm bắt được nội dung các chuyên đề như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và xóa đói, giảm nghèo để tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt. Đặc biệt, được hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hợp phần thuộc Chương trình 135 của giai đoạn 2016 – 2020 đã giúp anh và nhiều cán bộ khác hiểu rõ thêm nhiều vấn đề cần thiết để làm tốt nhiệm vụ tại cơ sở.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để Chương trình 135 đạt hiệu quả cao hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Dân tộc cho biết, năm 2016 nhìn chung các địa phương triển khai Chương trình 135 còn chậm do trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến tháng 9/2016, Chương trình mới được phê duyệt; tháng 12/2016 mới có thông báo bổ sung 10% vốn còn thiếu. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý điều hành, cơ chế tài chính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính chậm ban hành; quy trình thẩm định các công trình khởi công mới theo Nghị định 136/NĐ-CP phức tạp, chưa có cơ chế đặc thù rút gọn đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản. Các công trình thi công vào mùa mưa, lũ dẫn đến bị ảnh hưởng tiến độ. Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất do chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vai trò của Cơ quan công tác dân tộc một số địa phương chưa được phát huy.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 trong giai đoạn tới, thiết nghĩa trung ương cần đảm bảo về nguồn lực, nhất là việc quy định về chế độ, định mức, hỗ trợ theo kịp với biến động giá cả (hoặc có cơ chế linh hoạt theo từng vùng, miền) để đảm bảo thực hiện hiện hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Đồng thời, để giải quyết các vấn đề pháp luật về dân tộc liên quan đến mọi lĩnh vực cần có văn bản pháp lý cao nhất, cần có Luật Dân tộc và đó sẽ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để tạo điều kiện cho việc thực hiện công tác dân tộc thực chất hơn. Cần xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời phải quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ (cả về lượng và chất) cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp.

Trong giai đoạn tới, Chương trình 135, cũng như các chương trình, dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi cần đa dạng hoá nguồn tài chính cho đầu tư bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc. Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ thích hợp trong bố trí cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền phù hợp; có chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân tộc các cấp.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải xóa bỏ rào cản rất lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đó là tâm lý trồng chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân nghèo, người dân tộc thiểu số. Chỉ có xóa bỏ được tâm lý này thì mới tạo động lực cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ và bền vững./.

Nguồn: dangcongsan.vn, 1/2/2017

 

ĐP