Thứ Ba, 28/1/2025
Những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đắk Nông trong năm 2017
 
 Nghệ nhân Y K'ri được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc
trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về bảo tồn văn hóa ở địa phương


1. Nghệ nhân ưu tú Y K'ri ở bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil) có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người M’nông. Không chỉ đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng giỏi, nghệ nhân Y K’ri còn biết sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Ông đã được UBND tỉnh đề nghị xét tặng nghệ nhân nhân dân và được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.

Bà H’Plơ phát huy năng lực của mình trên nhiều mặt, phong trào ở bon làng

2. Bà H’Plơ ở bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) được ví như bông hoa đẹp khoe sắc từng ngày trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không chỉ là Bí thư chi bộ của bon, bà còn là một nghệ nhân tiêu biểu, được UBND tỉnh đề nghị xét tặng nghệ nhân nhân dân. Bà được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc tặng Bằng khen trong Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.

Ông K’Sớ làm giàu từ trồng cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò

3. Đi đầu trong lao động sản xuất, ông K’Sớ ở bon B’Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) được UBND tỉnh tặng Bằng khen sản xuất, kinh doanh giỏi. Với bản tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, ông K’Sớ đã gặt hái được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế gia đình, đã và đang góp phần làm đổi thay diện mạo của bon làng. Ông trở thành hội viên tiêu biểu trong phong trào Nông dân sản xuất giỏi và phong trào Nông dân giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.

Ông ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thường xuyên tìm hiểu thông tin
truyền thông để tuyên truyền tại cơ sở

4. Ông K’Wơn, Đội phó Đội công tác Vận động quần chúng xây dựng cơ sở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong 2 cá nhân UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng ở cơ sở. Đồng thời, ông đã bỏ công sức, thời gian đi quay phim, lưu giữ các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mạ, tác động đến ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ nói riêng và cả những người làm văn hóa…

Ông Nông Thanh Hưu say mê cây đàn tính của dân tộc mình

5. Ông Nông Thanh Hưu (SN 1950) là người dân tộc Tày ở thôn 9, xã Nam Dong (Chư Jút) được mọi người biết đến với biệt danh “Nghệ nhân tài hoa”. Vừa biết sử dụng, vừa biết chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, ông trở thành người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ông được UBND tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2, năm 2018.

Năm vừa qua, bà Thị Ai tham gia tích cực nhiều hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh

6. Xuất phát từ niềm đam mê và trách nhiệm của một người con M’nông, nghệ nhân Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) luôn tích cực tham gia các phong trào, công tác giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà am hiểu về ẩm thực dân tộc, trực tiếp tham gia thành lập và phát triển các đội chiêng, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm tại địa phương… Nhờ đó, bà được bà con, địa phương và tỉnh tin tưởng giao tham gia nhiều hoạt động về văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Bà H’Jang chỉ dạy cho con cháu về hoa văn truyền thống trên thổ cẩm M’nông

7. Thị H’Jang, sinh năm 1942, người M’nông ở bon Đắk Blao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) được UBND tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm, bà được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết TW5 và nhiều giấy khen của các cấp.

Bà H' Grao là người thành thạo, am hiểu về âm nhạc và có thể sử dụng
nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình

8. Nhiều năm qua, với niềm say mê nhạc cụ dân tộc bà H’Grao, dân tộc Mạ ở bon B’Jơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) được mọi người trong bon làng yêu mến và tin tưởng cử đi tham gia biểu diễn ở những ngày hội, cuộc thi về văn hóa truyền thống người Mạ trong và ngoài tỉnh. Là một nữ nghệ nhân tiêu biểu, tài hoa, bà được đề nghị xét tặng Nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Y Sim chỉnh chiêng

9. Thành thục nhiều bài cồng chiêng, biết chỉnh chiêng và chế tác nhạc cụ truyền thống, Nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban, người Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) là người “thầy” của thế hệ trẻ tại địa phương. Nghệ nhân ưu tú Y Sim được UBND tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2, năm 2018.

Nghệ nhân Điểu Yre giới thiệu văn hóa M’nông trong các dịp lễ hội trong và ngoài tỉnh

10. Là “bảo tàng sống” của văn hóa truyền thống M’nông, nghệ nhân Điểu Yre, ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã cung cấp rất nhiều tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa địa phương khi sưu tầm, tìm hiểu về văn hóa M’nông. Ông tâm huyết với cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, nghi lễ truyền thống M’nông… nên nhiều lần được cử đi tham gia, học hỏi, giao lưu, quảng bá văn hóa, con người M’nông cho bạn bè gần xa./.

Nguồn: baoanh.baodaknong.org.vn, ngày 6/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi