Thứ Sáu, 22/11/2024
Quảng Ninh: Phát huy vai trò của người có uy tín

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chụp ảnh lưu niệm
 cùng 4 đại diện tiêu biểu người có uy tín của tỉnh dự hội nghị biểu dương
 “Người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2009-2018
do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức

Tích cực phát triển kinh tế - xã hội

Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là mắt xích quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Họ mạnh dạn đưa những loại cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Nhiều người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại và còn giúp đỡ nhiều hộ khác về giống, vốn, kỹ thuật. Tiêu biểu như ông Chíu Sồi Thoòng, người có uy tín thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, đi đầu trong xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao; ông Trương Văn Hà, người có uy tín thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tích cực phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình bằng mô hình nuôi lợn rừng, nuôi cá; ông Tằng Văn An, người có uy tín thôn 1, xã Tiến Tới, huyện Hải Hà, là tấm gương sáng xây dựng mô hình nuôi bò...

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án 196 về đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, bản thân người có uy tín là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào này được nhân dân đồng tình ủng hộ.


 Người dân xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, tích cực tham gia xây dựng vườn NTM kiểu mẫu

Bên cạnh đó, người có uy tín và gia đình luôn gương mẫu trong hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; gương mẫu thực hiện, tích cực vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động nhân dân không tham gia các tà đạo; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, loại bỏ những hủ tục lạc hậu... Đặc biệt là nhiều người có uy tín đã đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc, như: Tết cổ truyền; lễ cầu phúc, tết mừng cơm mới, lễ ra tháng của người Sán Chỉ; lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu; lễ hội đình Làng Dạ ở Ba Chẽ; hội làng xã Bằng Cả; hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát đối của người Sán Dìu...


 Cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức cùng Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ tự quản ANTT bản Lý Quáng
tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ an ninh khu vực biên giới

Nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự

Trong 2 năm (2017-2018), đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; hàng chục vụ truyền đạo trái phép; giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những người có uy tín trong cộng đồng DTTS đã cùng với cấp uỷ, chính quyền, lực lượng công an giải quyết ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp đất đai và một số vụ có tính chất hình sự như mâu thuẫn, đánh nhau giữa một số thanh niên các dân tộc, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối ANTT, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh gồm 113/186 xã, phường, thị trấn; trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã biên giới khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Dân tộc thiểu số của tỉnh gồm 21 thành phần, với 143.278 người, chiếm 12,52% dân số toàn tỉnh, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia.

Những người có uy tín tích cực vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức, phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, tộc họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc dân tộc, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, xóm, làng, bản... Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.243 tổ nhân dân tự quản về ANTT hoạt động hiệu quả, làm giảm tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản tại địa bàn cơ sở.


 Ông Choóng Sau Quay, người có uy tín ở thôn Khe Mươi, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên,
 trò chuyện với người dân về việc giữ gìn an ninh trật tự ở xã

Bên cạnh đó, người có uy tín có nhiều ý kiến tham gia thiết thực, vận động nhân dân đóng góp cho công tác củng cố cơ sở chính trị, hoàn thiện bộ máy, xây dựng Đảng, chính quyền, phối hợp thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản, tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, đoàn thể; tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội. Sự tham gia tích cực của người có uy tín đã góp phần xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở. Họ xứng đáng là những “cây đại thụ” tỏa bóng mát bình yên cho bà con các dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi