Thứ Sáu, 22/11/2024
"Dân vận khéo" vùng đồng bào thiểu số ở Quảng Lâm

Việc vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường giao thông hay trường học trên cả nước không phải là mới, nhưng thay đổi được nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác này chính là một chuyển biến rõ rệt của cách làm “dân vận khéo”.

Xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, với 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp.

Đối với người dân nơi đây, “tấc đất là tấc vàng” để họ trồng cây lúa, cây keo, cây quế kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Không những thế, do đặc điểm văn hóa vùng miền và trình độ nhận thức còn chưa cao nên việc huy động bà con hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm các công trình công cộng là điều hết sức khó khăn.

Nhưng với cách làm cụ thể, kiên trì, mô hình “Vận động nhân dân giải phóng mặt bằng làm tuyến đường trục xã từ Bình Hồ - Thanh Y - Siệc Lống Mìn” của khối dân vận xã Quảng Lâm đã đạt được kết quả tốt.


 Tuyến đường Bình Hồ - Thanh Y - Siệc Lống Mìn (xã Quảng Lâm)

Ông Tằng Tắng Hềnh, một người dân sống tại bản Thanh Y, bản nghèo nhất của xã Quảng Lâm đã chủ động hiến một diện tích đất lớn đang trồng gần 1000 cây quế để làm đường giao thông.

Gia đình ông Chíu Dì Dảu tại bản Xiệc Lống Mìn là hộ dân ở khu vực đầu tuyến đường, chủ động hiến hơn 100m2 đất ở và còn trực tiếp tham gia vận động các hộ dân khác hiến đất làm đường. 

Tuyến đường qua Bình Hồ - Thanh Y - Siệc Lống Mìn có chiều dài 3,5km, khi xây dựng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 53 hộ dân. Nếu như trước kia nhiều người có suy nghĩ xây dựng đường xá là việc của Nhà nước, thì nay đồng bào đã có nhiều thay đổi về nhận thức và tự nguyện hiến trên 22.700 m2 đất vườn, đất ở để làm đường.

Đạt được kết quả đó, Khối dân vận xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà đã kiên trì tìm ra những cách thức làm “dân vận khéo”. Theo bà Hoàng Thị Hảo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng LâmMình phải nắm được tình hình, tư tưởng, tính cách của mỗi hộ gia đình để lựa và nói chuyện. Ai có tiếng nói trong gia đình thì mình đến vận động. Rồi mình phải biết đối tượng nào có khả năng thuyết phục được trước thì đến gặp trước để làm điểm gương mẫu.

Thêm vào đó, tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực quan tâm và chỉ đạo đẩy mạnh vai trò công tác dân vận trong việc thực hiện các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, chăm lo cho đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Tuy vậy, công tác dân vận tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc không đồng đều, xuất phát điểm về kinh tế còn thấp; nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu. Năng lực đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế.

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được để đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với xuất phát điểm thấp tiếp tục đi lên, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thụ hưởng các dịch vụ công của nhà nước được tốt hơn./.

Nguồn: vov4.vov.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi