Chúng tôi đến bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước, Thanh Hóa) vào những ngày cả bản đang tập trung dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa, đường giao thông, cổng làng, hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trong nhà văn hóa để chuẩn bị cho sự kiện công bố tour du lịch cộng đồng Pù Luông.
|
Người dân bản Đôn (xã Thành Lâm) giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm |
Trưởng bản Đôn Ngân Trung Sơn dừng tay niềm nở: “Hôm nay nhà báo lên có thấy khác so với 2 tháng trước không, nhà văn hóa đã cơ bản xong, cổng làng cũng đã được dựng lên, vệ sinh môi trường trong bản sạch sẽ... 2 tháng trước, nhìn thấy công việc còn bộn bề, chúng tôi lo sẽ khó hoàn tất được trước khi công bố tour du lịch, nhưng nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện, xã cùng sự nỗ lực của bà con trong bản, đến hôm nay công việc đã cơ bản xong. Chỉ đợi ngày diễn ra lễ công bố tour du lịch cộng đồng nữa thôi. Không chỉ vậy, bà con trong bản cũng đang chung sức xây dựng bản nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Để thay đổi nhận thức của bà con trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến thôn đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, như: Nếp nhà sàn, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực... nhằm thu hút du khách. Bên cạnh đó, người dân cũng được nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi tuyên truyền, từ đó thay đổi dần nhận thức trong việc làm du lịch cộng đồng. Người dân đã tự nguyện tham gia các lớp tập huấn về ứng xử văn hóa với khách du lịch, hỗ trợ nhau trong kinh doanh homestay, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp, phát cỏ, trồng hoa các lối đi trong bản...”.
- “Không chỉ tập trung tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch mà những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và đạt được kết quả quan trọng” - đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tiếp lời của trưởng bản Đôn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết thêm: Toàn huyện có 225 làng, bản và khu phố thuộc 22 xã, 1 thị trấn, có 3 dân tộc chính: Thái - Mường - Kinh cùng chung sống. Với đặc thù như vậy nên trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Nhiều người dân còn có biểu hiện coi thường pháp luật hoặc chưa thực sự tin tưởng vào sự công minh của pháp luật nên dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng trên, huyện Bá Thước xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL đến đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng, phải bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Kết hợp, tuyên truyền lồng ghép có hiệu quả với các chương trình công tác dân tộc, chính sách dân tộc có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội.
Hàng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai đồng bộ đến tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn. Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Hiện, toàn huyện có 24 báo cáo viên pháp luật, 367 tuyên truyền viên pháp luật. Nội dung tuyên truyền, PBGDPL tập trung vào Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong đó chú trọng tuyên truyền Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, Chương trình 135; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Riêng trong năm 2017, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức 2 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành cho 300 lượt cán bộ chủ chốt huyện, xã tham gia. UBND huyện phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho 225 tổ trưởng tổ hòa giải của 225 thôn, bản, khu phố; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua năm 2017, gồm: Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên, như: Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, MTTQ, các hội đoàn thể... đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp đẩy mạnh thực hiện công tác PBGDPL trên từng lĩnh vực, địa bàn được giao thu hút hàng ngàn lượt người nghe. Đối với các xã, thị trấn đã tổ chức được 124 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 13.297 lượt người tham gia... Thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021”, 9 tháng năm 2018, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện phối hợp với Hội Luật gia huyện đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền luật tại các xã: Lương Ngoại, Điền Hạ, Thành Lâm, Ái Thượng, Kỳ Tân cho hơn 1.185 lượt tham gia. Các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền được 115 cuộc, với 11.554 lượt người tham gia.
Đối với người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, công tác PBGDPL được thực hiện thông qua các hình thức: Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu, các tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích; thực hiện lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, bản... để người dân hiểu rõ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và cũng biết được cái gì được thụ hưởng, cái gì cần phải nỗ lực để tập trung phát triển sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải ở cơ sở cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn. Đến nay, toàn huyện có 225 tổ hòa giải với 1.441 hòa giải viên. Năm 2017 và 9 tháng năm 2018, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 219 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 154 vụ việc, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân./.
Nguồn: baothanhhoa.vn