Thứ Sáu, 24/1/2025
Nỗ lực nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Yên

 Quang cảnh lớp học xóa mù chữ tại thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Xác định xóa mù chữ là một trong những giải pháp để nâng cao trình độ dân trí và giúp người dân tiếp thu được kiến thức nên 9 tháng đầu năm 2018, huyện Lục Yên đã mở 3 lớp xóa mù chữ theo hình thức xã hội hóa, giáo viên dạy trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, một lớp học tại xã Phúc Lợi với 27 học viên do cựu chiến binh Đỗ Minh Bản giảng dạy, hai lớp tại xã Trung Tâm với 68 học viên do giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Trung Tâm trực tiếp giảng dạy, các học viên đều là đồng bào dân tộc Dao.

Hơn 2 tháng qua, lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Dao tại thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái), do thầy Đỗ Minh Bản, một cựu chiến binh năm nay đã hơn 70 tuổi trực tiếp giảng dạy, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nơi đây.

Lớp học xóa mù chữ này là một lớp đặc biệt bởi học sinh là những phụ nữ tuổi từ 25 đến 50. Lớp có 27 học viên, thời gian dạy và học diễn ra vào ba buổi trưa thứ 2, thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, tại nhà văn hóa thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi. Phần lớn các học viên đều là nông dân, quanh năm bận rộn với việc đồng áng, mùa vụ. Việc đến lớp cũng không mấy thuận lợi, các học viên phải mất 1-2 giờ đồng hồ chèo thuyền qua hồ Thác Bà để đến lớp.  Dù còn gặp nhiều khó khăn song với mong muốn giản đơn là viết được tên của mình, họ luôn đến lớp đầy đủ.


 Cựu chiến binh Đỗ Minh Bản hằng ngày ra hồ đón các học sinh đến lớp

Chị Lý Thị Nhường, thôn 4 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) chia sẻ, năm nay chị đã 40 tuổi, mỗi lần đi họp phụ huynh cho con hay đi lên xã làm thủ tục chị đều phải điểm chỉ vì không biết chữ. Khi  lớp học của thầy Bàn được mở, chị đã đăng ký tham gia, sau hơn 2 tháng đi học chị đã biết đánh vần các chữ khi thầy viết lên bảng và biết viết tên của mình.

Bà Vi Thị Hồng ở thôn 4 Vàn tâm sự, không biết chữ ngại lắm, bởi khi các cháu của bà hỏi bà chẳng biết trả lời thế nào. Từ khi tham gia lớp học, bà đã biết đọc, viết và tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.

Tất cả các học viên trong lớp đều được Trường Tiểu học xã Phúc Lợi hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập. Theo thầy Đỗ Minh Bản, với mong muốn xóa mù chữ cho người dân trong bản,  thầy đã xin chính quyền địa phương mở lớp học xóa mù chữ và thầy là người trực tiếp đứng lớp. Mới chỉ hơn 2 tháng, học viên đã biết đánh vần, nhận thức nhanh. Thầy mong muốn sau khi kết thúc lớp học sẽ có thêm nhiều lớp xóa mù chữ khác được mở, để tất cả người dân đều biết chữ.

Ông Vũ Tô Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên cho biết, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên rất quan tâm đến công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, huyện đều tổ chức các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra các lớp học nhằm nâng cao trình độ dân trí. Hết năm 2017, địa bàn huyện có 91,76% số người trong độ tuổi từ 15 – 60 biết chữ ở mức độ 1.


 Cựu chiến binh Đỗ Minh Bản dạy đồng bào dân tộc thiểu số viết chữ.

Tuy nhiên, huyện cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác chống mù chữ. Hết năm 2017, toàn huyện vẫn còn khoảng 8,24% đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ.

Để khắc phục tình trạng này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã chỉ đạo các trường học điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động ra các lớp xóa mù chữ để học; xây dựng kế hoạch mở các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Lục Yên phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2 với 22/24 xã, thị trấn và xóa mù chữ cho 930 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 94%./.

Nguồn: dantocmiennui.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi