An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chủ yếu là người Khmer, Chăm và Hoa với tổng số 114.400 người, chiếm 5,17% dân số. Việc xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú cho vùng đất, con người An Giang.
Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể như Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 16/6/2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/10/2007 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”; Kế hoạch số 22-KH/TU, ngày 12/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 21/5/2015 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 12/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới…
|
|
Song song với bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, công tác xây dựng con người, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan luôn được đẩy mạnh, nhằm mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, phum, sóc văn hóa, điểm sáng văn hóa biên giới. Đối với đồng bào Chăm, ở mỗi thánh đường đều có lớp dạy tiếng Chăm để giữ gìn ngôn ngữ, tiếng dân tộc. Các ngành nghề thủ công mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc như dệt thổ cẩm, tranh lá thốt lốt, đường thốt lốt cũng được đầu tư phát triển.Trên cơ sở các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 599 thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; triển khai Kế hoạch kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020; Đề án truyền dạy Nghệ thuật Dì Kê của đồng bào Khmer tỉnh An Giang giai đoạn 2018 – 2020; Kế hoạch phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên tuyến biên giới tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2022, nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, dân tộc.
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp luôn gắn kết chặt chẽ hoạt động xây dựng đời sống văn hoá với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
Tỉnh duy trì tốt việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Chăm, Khmer với nhiều hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham dự. Quan tâm giữ gìn, nâng chất lễ hội truyền thống có tầm ảnh hưởng trong khu vực như Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer, đặc biệt là Lễ hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hằng năm giữa hai địa phương Tri Tôn, Tịnh Biên; đồng bào Chăm có Lễ Roya Haji, Tháng chay Ramadan là lễ quan trọng nhất. Các dịp lễ trên, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng đồng bào, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2016, Lễ hội đua bò Bảy Núi của tỉnh An Giang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2017, An Giang được công nhận thêm 1 loại hình di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đó là “Tri thức và kỷ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer; tính đến nay An Giang có 3 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia được công nhận gồm, Lễ hội đua bò Bảy Núi, Tri thức và kỷ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngoài ra, Tỉnh còn lưu giữ nhiều tư liệu về nghệ thuật Dì Kê, Đàn Chà Pây của dân tộc Khmer; các hình thức thực hành nghi lễ vòng đời và hơn 20 làn điệu âm nhạc cổ truyền của dân tộc Chăm...
Mặc dù có nhiều cố gắng, song việc xây dựng đời sống văn hóa nói chung, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chương trình, đề án phát triển văn hóa dân tộc thiểu số phải tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, để các giá trị ấy vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới./.
Nguồn: tuyengiaoangiang.vn