Trong cộng đồng dân tộc thiểu số, người có uy tín giữ vai trò rất quan trọng để tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Họ đã góp tiếng nói, ý kiến thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, làm “cầu nối” truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, họ nêu gương, giáo dục, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Làng Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) là một điển hình.
|
Diện mạo làng Chăm ngày càng khởi sắc tươi đẹp |
Phó Giáo cả Go Saly ở thánh đường Mubarak cho biết, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm là những người trước hết có đạo đức, tác phong tốt, đồng thời có trình độ, hiểu biết về giáo lý, giáo luật của đạo. Những người này thường là giáo cả và những vị lãnh đạo trong tôn giáo. Trong vai trò của mình, các chức sắc, chức việc tiếp thu ý kiến, chỉ thị, thông tin, chính sách mới của Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai lại cho bà con dân tộc thiểu số. Họ đi đầu nêu gương trong đời sống, chấp hành pháp luật, giáo dục con cái, sống hòa đồng tốt đời đẹp đạo, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài các chức sắc, chức việc, trong cộng đồng dân cư còn có người lớn tuổi hoặc cá nhân điển hình trên các lĩnh vực cũng được chọn là người uy tín. Xã Châu Phong có 4 thánh đường, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho bà con. Thứ 6 hàng tuần, tất cả tín đồ tập trung tại thánh đường để làm lễ. Dịp này, giáo cả, phó giáo cả triển khai các thông tin mới nhất cho bà con nắm bắt kịp thời.
Nhờ đó, thời gian qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Chăm từng bước đổi mới phù hợp xu thế của đất nước. Người Chăm ngày nay rất tuân thủ kế hoạch hóa gia đình, chăm lo con, cháu học hành. Nhiều thế hệ lớn lên đã trở thành kỹ sư, bác sĩ và nối tiếp con em vào đại học, có việc làm ổn định. Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở ấp Châu Giang chiếm khoảng 80% dân số. Thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, dù đất nước trên đà phát triển, công nghệ thông tin bao phủ cuộc sống, nhưng bà con vẫn giữ lại nét văn hóa dân tộc của riêng mình. Từ những lễ nghi, tập tục trong gia đình và xã hội, cho đến ngành, nghề như: thêu khăn, kết màn cưới, làm bánh truyền thống vẫn được gìn giữ. Mặt khác, họ tiếp thu, đổi thay trong sinh hoạt đời sống để phù hợp với hiện tại. Đơn cử như việc cưới hỏi đã không còn rườm rà, thay vì tập trung “mùa cưới” vào các ngày lễ của dân tộc, nay bà con chủ yếu chọn ngày lễ của đất nước để hợp với thời gian nghỉ làm việc và thuận tiện mời bà con xóm làng dự càng đông càng tốt.
Tại ấp Phũm Soài, Ban Quản trị thánh đường, các chức sắc, chức việc phối hợp Ban Nhân dân ấp phát động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xóm ấp bình yên. Đến nay, ấp Phũm Soài đã đạt danh hiệu “Ấp văn hóa” 18 năm liền. Nhân dân rất ý thức xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, luôn đoàn kết, nương tựa nhau xây dựng đời sống phát triển. Vai trò là người uy tín trong cộng đồng, các chức sắc lập kế hoạch, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế… nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội trong vùng từng bước khởi sắc, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ngoài số con em học hành cao đi làm việc ngoài địa phương, tại ấp cũng có việc làm cho lao động nhàn rỗi đảm bảo thu nhập ổn định. Chị Karimah làm thợ may cho một cơ sở trong ấp chia sẻ, nhờ có nghề may trang phục truyền thống, 2 năm nay chị giúp gia đình trang trải cuộc sống thoải mái hơn. Trước đây như bao phụ nữ Chăm, nếu không đi học hoặc đi làm thì chị Karimah ở nhà nội trợ. Có công việc này, các chị em rất phấn khởi, 1 ngày làm việc 8 tiếng được thù lao 100.000 đồng/người, công việc khá nhẹ nhàng và dễ làm. Trang phục truyền thống không chỉ bán cho đồng bào ở địa phương mà còn xuất khẩu sang Malaysia 1.000 - 2.000 bộ/tuần. Thành quả này có công rất lớn của lớp người uy tín trong cộng đồng. Thông qua các chức sắc, chức việc, những tâm tư, nguyện vọng của bà con đều được phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó người dân luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nổi bật nhất là xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…/.
Nguồn: baoangiang.com.vn