Thứ Sáu, 24/1/2025
Huyện Ngọc Lặc quan tâm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình trồng hành chăm cho hiệu quả kinh tế cao của người dân
thôn Lương Sơn (xã Thúy Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa)

Nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, xã Quang Trung (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã tích cực vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo, động viên hộ nghèo khắc phục khó khăn để tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Từ sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của các hộ dân trên địa bàn xã Quang Trung đã có gần 20 hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 8,63%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 15 đến 17 triệu đồng/năm. Cái được lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở đây không chỉ là nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất của bà con.

Đồng chí Phạm Văn Thiết, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, cho biết: Đồng bào DTTS huyện Ngọc Lặc chiếm 72% dân số, chủ yếu là người dân tộc Mường và sinh sống đan xen với dân tộc Kinh ở 22 xã, thị trấn. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung về công tác dân tộc và tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020; tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Thường xuyên tuyên truyền về kết quả thực hiện các chính sách, dự án; các chỉ tiêu, mục tiêu đạt được của chương trình, tạo điều kiện để những đối tượng thụ hưởng chính sách nắm được thông tin, từ đó ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Qua công tác vận động, tuyên truyền, đồng bào DTTS trong huyện luôn tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp, ngành ở địa phương, qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào.

Được hỗ trợ giống cây, con, phân bón các loại, được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật..., đồng bào DTTS đã dần loại bỏ tập quán sản xuất cũ, tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển dịch vụ và sản xuất hàng hóa;  áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, do đó năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Người dân đã tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, như: Xây dựng vùng lúa thâm canh tại các xã Quang Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Minh Sơn, Kiên Thọ, Ngọc Khê, Phùng Minh...; phát triển vùng trồng rau an toàn, phấn đấu đến năm 2020 có 1.500 ha rau, quả, thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, lâu năm... Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều hộ gia đình giỏi trong phát triển kinh tế như: Gia đình ông Bùi Văn Quang ở thôn Quang Hòa, xã Quang Trung trồng 1,2 ha chanh leo kết hợp trồng nghệ dưới tán, 1 ha gấc, 250 gốc bưởi Diễn và 2 ha trồng keo... tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 12 - 15 lao động thời vụ. Hay như gia đình ông Nguyễn Trung Dũng ở  xã Minh Sơn đầu tư mô hình trồng mía, cây keo lấy gỗ... đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng...

Để thực hiện tốt công tác dân vận, thời gian tới huyện Ngọc Lặc tiếp tục  xây dựng và phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở. Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; quan tâm công tác xây dựng chi bộ đảng và các chi hội, chi đoàn ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.../.

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi