Thứ Hai, 23/12/2024
“Cầu nối” đưa pháp luật đến với đồng bào vùng cao

 Tuyên truyền PBGDPL cho người dân vùng cao tỉnh Điện Biên

Hiện nay, đội ngũ làm công tác PBGDPL tỉnh Điện Biên đã được kiện toàn, gồm hàng trăm báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và hàng nghìn tuyên truyền viên cấp xã, thực hiện tổ chức phổ biến pháp luật dưới hình thức trực tiếp và thông qua các cuộc thi thu hút người dân tham gia…

Theo ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, công tác PBGDPL luôn được Sở Tư pháp quan tâm và xác định đó là “cầu nối” trong việc đưa pháp luật đến gần hơn với người dân. Quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng. Ðội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng. Các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu kèm hình ảnh, tờ rơi minh họa đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Ngoài ra các cấp huyện, cơ sở còn tổ chức các cuộc thi phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nội dung tuyên truyền, phổ biến đa dạng, được chọn lọc phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm địa phương…

Nhờ đó, nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đã được nâng lên, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền.

Trong những năm qua, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên là địa phương luôn làm tốt công tác PBGDPL. Theo đó, hàng năm Tư pháp huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đoàn thể như, Công an, Huyện đoàn tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu tại các trường học; phối hợp với Tòa án Nhân dân huyện thông qua các buổi xét xử lưu động để tuyên truyền các quy định về phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình…

Đến nay, toàn huyện đã thành lập và kiện toàn 139 tổ hòa giải với 647 hòa giải viên. Các đơn vị phối hợp tổ chức hiệu quả các buổi tuyên truyền có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu kèm theo hình ảnh, tờ rơi minh họa và thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân…

Chị Lò Thị Huệ, cán bộ tư pháp xã Ẳng Cang, cho biết: Trước đây, khi người dân đến làm các thủ tục tại xã, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để giải thích các bước quy trình, bà con mới hiểu và thực hiện đúng. Vài năm trở lại đây, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân được chú trọng, phát huy hiệu quả. Từ đó, khi bà con đến làm các thủ tục như khai sinh, nhập khẩu, kết hôn… người dân không còn bỡ ngỡ nữa, thời gian thực hiện nhanh gọn hơn.

Nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn, vùng DTTS, các ban, ngành tỉnh Điện Biên tập trung biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu. Toàn tỉnh đang duy trì 775 tủ sách pháp luật tại các xã, phường, các cơ quan, doanh nghiệp, bưu điện, đồn biên phòng và các đơn vị trường học với đa dạng các đầu sách và thể loại khác nhau; ngoài ra còn thực hiện biên soạn và cấp phát miễn phí gần 100 nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật, dịch ra các thứ tiếng DTTS…

Không phủ nhận trong những năm qua, công tác PBGDPL cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển tích cực, song để đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa nhận thức nhiều hơn nữa về chính sách pháp luật thì cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần chủ động hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền tại địa phương. Có như vậy, chính sách pháp luật mới đi vào cuộc sống của đồng bào./.

Nguồn: baodantoc.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi