Thứ Bảy, 21/12/2024
Lai Châu: Hiệu quả kết nghĩa cư dân hai bên biên giới

 Người dân bản Pô Tô xuất bán chuối qua biên giới

Theo anh Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô, từ ngày hai địa phương kết nghĩa thì việc trao đổi hàng hóa của bà con qua biên giới rất thuận lợi, đồng bào hai bên cùng giúp nhau phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là kỹ thuật trồng các giống cây có giá trị kinh tế như chuối, dứa…

“Năm 2014, bản Pô Tô kết nghĩa với bản Cửa Cải. Từ khi kết nghĩa, đời sống kinh tế của bà con trong bản khấm khá hơn nhiều, nên cũng không còn tình trạng bà con trong bản xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới lao động trái phép nữa. Việc xuất khẩu hàng hóa nông sản của bà con trong thôn được cơ quan chức năng phía bạn tạo điều kiện rất thuận lợi. Bên mình sản xuất được bao nhiêu hàng hóa đều xuất bán sang bên Cửa Cải hết. Hai bên qua lại giao thương với nhau, bên bạn giới thiệu cho mình các chủ hàng tốt, hàng hóa đều bán được với giá cao”, ông Khớ cho biết thêm.

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền xã Huổi Luông, sau khi kết nghĩa, tốc độ phát triển kinh tế của bản Pô Tô phát triển nhanh, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Thu nhập của người dân Pô Tô đến thời điểm này đã vươn lên đứng đầu của huyện Phong Thổ. Tính thu nhập chung của vùng nông thôn, bản Pô Tô hiện nay đã đạt 26 triệu đồng/người/năm, vượt định mức so kế hoạch của tỉnh đề ra.

Ông Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho biết: Người dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải phần lớn là dân tộc Hà Nhì, hai bên thường xuyên sang thăm nhau, mời nhau mỗi khi có công việc. Đặc biệt, kể từ khi kết nghĩa, quan hệ giữa hai bên thêm gắn bó hơn, hiểu nhau hơn, trong việc giao thương hàng hóa cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

“Mối quan hệ trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh tế giữa cư dân hai bên biên giới đã có từ lâu, song các hoạt động này được thể hiện rõ nét hơn từ khi kết nghĩa. Sau khi kết nghĩa, bên bạn cũng có nhiều chương trình giúp nhân dân bên mình tiêu thụ nông sản, vì nếu tiêu thụ trong nước thì giá thấp hơn. Ví dụ, 1kg ngô bà con bán tại địa phương khoảng 5000 đồng, khi bán cho bà con ở Cửa Cải được hơn 6.000 đồng. Biên cương môi hở răng lạnh, người dân hai bên cùng giúp đỡ, bao bọc nhau, nhờ đó đời sống ngày một cải thiện, khấm khá hơn. Nhiều hộ gia đình chỉ nhờ cây chuối, cây ngô thôi mà thu nhập cũng đến 150-200 triệu đồng một năm”, ông Lê Văn Dung cho biết thêm.

Việc kết nghĩa thôn bản hai bên biên giới, không chỉ đời sống kinh tế người dân bản Pô Tô và bản Cửa Cải được cải thiện đáng kể, mà tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội hai bên cũng được giữ vững, công tác quản lý cũng thuận lợi hơn. Đại úy Nguyễn Mạnh Linh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho rằng: Mô hình kết nghĩa thôn bản giữa cư dân biên giới hai nước Việt-Trung là một chủ trương đúng và rất phù hợp với điều kiện tuyến biên giới của Lai Châu.

Từ khi kết nghĩa, nhân dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải luôn gìn giữ mối đoàn kết, không xảy ra mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, luôn nỗ lực chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Hai bên luôn chấp hành nghiêm các Hiệp định về biên giới, giữ gìn an ninh trật tự; không để xảy ra trộm cắp tài sản, tranh chấp mâu thuẫn, vượt biên giới trái phép; tôn trọng và bảo vệ hệ thống đường biên, mốc giới…/.

Nguồn: baodantoc.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất