Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết: “An Giang có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer đã bao đời cùng chung sống hòa thuận và xây dựng quê hương tươi đẹp như hôm nay. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các ngành, đoàn thể cũng như cơ quan thông tin đại chúng quán triệt trong nội bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo về chính sách dân tộc, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, phát triển các mặt đời sống kinh tế - xã hội, giữ vững chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh”.
|
Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang |
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân… Trong đó chương trình 135 (giai đoạn 1999-2017) đã thực hiện 402 công trình, với tổng giá trị đầu tư gần 300 tỷ đồng kết hợp với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn như: các công trình thủy lợi, công trình điện, trường, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa. Nổi bật là các công trình thủy lợi vùng cao cho huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Qua đó, giúp bà con chủ động nguồn nước tưới, tăng 40% diện tích đất ruộng trên sản xuất 3 vụ/năm. Ngoài ra, trong thực hiện Quyết định số 134, đã xây dựng 5.420 căn nhà cho đồng bào DTTS nghèo, 54 công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng cao, vùng xa, với tổng kinh phí 54 tỷ đồng.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trí thức trong đồng bào DTTS, tỉnh đã đầu tư xây dựng 1 Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh (TP. Châu Đốc) và 2 trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng DTTS, tạo điều kiện để học sinh là người dân tộc phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức. Đặc biệt, An Giang còn phối hợp Bệnh viện 121 tổ chức đào tạo các lớp y sĩ dành cho học sinh là đồng bào DTTS Khmer, Chăm và bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng đồng bào DTTS.
Ông Chau Chên (người uy tín trong đồng bào DTTS Khmer tại xã Cô Tô, Tri Tôn) chia sẻ: “Đảng và Nhà nước ta xác định chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng nên đã đề ra những định hướng, chiến lược đúng đắn trong việc chăm lo đời sống bà con. Chúng tôi được các cấp, ngành quan tâm thăm hỏi trong những dịp lễ, Tết quan trọng của đồng bào DTTS Khmer, được thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhân dịp họp mặt cán bộ lãnh đạo, cơ sở tôn giáo và người có uy tín tại địa phương. Bản thân tôi luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên khá giả trong tương lai”.
Bên cạnh những thành quả trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, An Giang còn thực hiện tốt hoạt động đào tạo nghề, chăm lo phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các địa phương luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS ổn định; ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được nâng lên và công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS được quan tâm thực hiện tốt.
“Cần lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của họ. Đồng thời, tập trung chăm lo công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và chú trọng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng DTTS, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…” - ông Men Pholly xác định.
Nguồn: baoangiang.com.vn