Thứ Năm, 23/1/2025
Ðổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðam Rông

Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là địa bàn có 74,46% dân số là người DTTS với 22 dân tộc, gồm cả dân tộc thiểu số phía Bắc và gốc Tây Nguyên. Bởi thế việc thực hiện công tác dân vận để phát triển khu vực này được Đam Rông rất chú trọng.

Bà Đa Cắt K’Hương - Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho biết: “Sau khi có Chỉ thị 49 của Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đầu năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2020” và Nghị quyết số 05 về “Nâng cao hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội từ nay đến năm 2020”. Đây là 2 nghị quyết quan trọng về công tác dân vận, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, đoàn thể hướng về cơ sở, nhất là vùng có đông đồng bào DTTS”.

Theo đó, công tác tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, định hướng của địa phương được đẩy mạnh trong bà con. Huyện ủy thường xuyên tổ chức đoàn công tác xuống thăm và làm việc với thôn, buôn, nhằm nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân tại cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Thường trực xã Đạ Tông kể: Đạ Tông có khu vực sản xuất ở Dơng Crong cách trung tâm xã hơn 20 km. Mỗi khi ba mẹ lên rẫy con cái cũng đi theo, nên tình trạng các cháu bỏ học nhiều. Để giải quyết vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Trần Minh Thức đã xuống tận nơi kiểm tra tình hình và trực tiếp chỉ đạo Đảng ủy xã Đạ Tông phải thành lập tổ vận động có lãnh đạo xã, bí thư thôn, lãnh đạo nhà trường... để cùng tham gia vận động các cháu tới trường đầy đủ. Còn Bí thư Chi bộ thôn Đa Kao1 - Rơ Jê Ha Ni thì nhắc lại, khi lãnh đạo huyện, xã về làm việc, thăm nắm tình hình hoạt động của chi bộ và tâm tư tình cảm của bà con trong thôn, đồng chí đã chỉ vào những khu vườn còn đất trống và nhắc nhở bà con phải tự trồng rau chủ động thêm về nguồn thực phẩm. Bí thư Huyện ủy cũng nhắc nhở bà con làm hàng rào vườn, nuôi heo, gà trong chuồng để có thêm thu nhập...

Từ đầu năm 2016 tới nay, mỗi tháng một lần lãnh đạo huyện Ðam Rông trực tiếp xuống cơ sở làm việc với các thôn. Ðó là cách lãnh đạo huyện Ðam Rông nắm rõ “Dân sinh, dân trí, dân tình”, nhằm thực hiện công tác lãnh, chỉ đạo, sát thực tế, hợp lòng dân.

Trong thực hiện công tác dân vận, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS được Huyện ủy Đam Rông xem là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Để thực sự chinh phục niềm tin của Nhân dân vào các cấp chính quyền, công tác cải cách thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... đã được các địa phương ở Đam Rông đẩy mạnh. Đặc biệt, MTTQ huyện đã hoạt động hướng về cơ sở, mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong đồng bào các DTTS làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, đoàn thể. Đến nay, 8/8 xã thành lập được Khối Dân vận cơ sở do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng khối và một cán bộ không chuyên trách, 56/56 thôn thành lập được tổ dân vận do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Vì vậy, việc vận động đồng bào, đoàn viên, hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt hiệu quả ngày càng cao. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông đạt trung bình 26,9%, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt 31,5 triệu đồng/người (tăng gấp 2 lần so với năm 2013)...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế đặt ra trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Đơn cử như: Việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở nhiều nơi chưa kịp thời, hiệu quả thấp; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở nhiều nơi còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chậm, chưa thỏa đáng. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và các dân tộc ngày càng lớn. Công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực này chưa được chú trọng...

Đam Rông hiện vẫn là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh; trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều; một bộ phận không nhỏ nhân dân còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự giác trong lao động, vươn lên thoát nghèo; tình trạng tranh chấp đất đai, đòi về làng cũ, vấn đề dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào địa phương phá rừng làm rẫy vẫn còn diễn ra... Đây là những thách thức không nhỏ đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Trong đó, vai trò của những người làm công tác dân vận là đặc biệt quan trong. Bởi chỉ có làm tốt công tác dân vận mới khơi dậy sức dân, mới phát huy nội lực chính trong dân - yếu tố quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguồn: baolamdong.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi