Những chính sách thiết thực, cụ thể là đòn bẩy giúp cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Thủ đô phát triển, khởi sắc từng ngày.
|
Mô hình chăn nuôi bò thịt ở Ba Vì phát huy lợi thế địa phương |
Đời sống được nâng cao
Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết: Vài năm gần đây, vùng đồng bào DTTS của Thủ đô đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS hằng năm đạt 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (hơn 3%/năm). Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS của TP đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
TP đặc biệt quan tâm tới vùng DTTS, đồng thời có những chính sách thiết thực góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực cho vùng DTTS phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng đô thị với nông thôn và miền núi để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |
Hiện có 7/14 xã vùng DTTS của TP đạt chuẩn NTM. Chương tình mục tiêu quốc gia về văn hóa được triển khai hiệu quả, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng. Công tác giáo dục dân tộc luôn được quan tâm; các xã vùng đồng bào DTTS đã 100% đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Những đổi thay ở ba xã vùng cao Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình tại huyện Thạch Thất là một thí dụ điển hình. Từ một vùng đất nghèo khó có hơn 60% số hộ là người dân tộc Mường, hầu hết các tuyến đường giao thông đều là đường đất, hạ tầng thiếu thốn, sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội, cả vùng đất được thay da đổi thịt. Từ các nguồn vốn, T.Ư, TP và huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người từ mức 7 triệu đồng/người/năm (2008) đã tăng lên thành 28 triệu đồng/người/năm (năm 2018). “Vui nhất là điện lưới Quốc gia đã kéo tới tận các thôn, bản, các em nhỏ được học trong các phòng học kiên cố, chấm dứt cảnh học tạm, học nhờ trong những gian nhà cấp bốn ẩm thấp” – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long phấn khởi cho biết.
Đòn bẩy từ chính sách
Có được kết quả trên là do trong những năm qua, TP đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Nhiều chính sách dân tộc của T.Ư được TP triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả, nổi bật là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, TP còn thực hiện các chính sách trợ giá, trợ cước; vay vốn tín dụng, y tế, giáo dục đào tạo... Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Thủ đô. Các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS nghèo bao gồm cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế…
Là một huyện miền núi, Ba Vì hiện có 24.748 người DTTS, chiếm 36% dân số khu vực miền núi. Nhờ những chính sách ưu tiên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào DTTS đã là đòn bẩy giúp kinh tế huyện phát triển vượt bậc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết: Triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã được bố trí vốn theo KH 166, trong những năm qua Ba Vì được đầu tư hạ tầng với tổng mức đầu tư là 1.548 tỷ đồng. Ngoài ra, những chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp như dự án chè Ba Trại, phát triển bò sữa Tản Lĩnh, thuốc Nam xã Ba Vì… đã khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc./.
Nguồn: kinhtedothi.vn