Thứ Năm, 23/1/2025
Sức sống mới ở Nặm Păm

Sau hơn một năm trận lũ lịch sử đi qua, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước, bà con ở xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) đã vượt qua những khó khăn bước đầu, ổn định cuộc sống. Sự đổi thay của Nặm Păm hôm nay bên cạnh những nỗ lực của bà con nhân dân là sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp Đảng, chính quyền.

6 bản ở trong xã Nặm Păm bị san phẳng, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái hay những ngôi nhà khang trang hai đến ba tầng của  các hộ dân bị nước cuốn đi trong chớp mắt khi trận lũ ập đến. Nặm Păm sau trận lũ lịch sử vào tháng 8 năm 2017 chỉ còn trơ sỏi đá. Không ai nghĩ được rằng chỉ sau hơn một năm, Nặm Păm đã khoác lên mình màu áo mới, màu áo của niềm tin và khát vọng đổi thay.


 Trên vùng đất tái định cư, cuộc sống của người dân ở bản Hốc đang đổi thay từng ngày 

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường La cho biết: Xác định rõ việc làm công tác tư tưởng sau lũ cho bà con là rất quan trọng, huyện đã tập trung, tuyên truyền, vận động các hộ dân rời khỏi những vùng nguy hiểm; biến đau thương thành hành động để sớm ổn định cuộc sống.

Song song với đó, các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, bản đã trực tiếp đến gặp gỡ, vận động các hộ dân không bị ảnh hưởng hiến đất trên cao để xây dựng khu tái định cư cho dân bản bị mất nhà. Đáng mừng là cả 6 bản người dân đều nhất trí hiến đất sản xuất làm nơi tái định cư cho những hộ dân mất nhà trong đợt lũ lịch sử.

Nơi ở mới của hơn 90 hộ dân ở bản Hốc nằm trên khu đất rộng, cao hơn bản cũ. Sau hơn một năm trận lũ lịch sử diễn ra, cuộc sống của người dân trong bản đã dần ổn định.

Là người con của Nặm Păm, anh Lường Văn Tường ở bản Hốc chưa bao giờ quên được những hình ảnh khủng khiếp của trận lũ lịch sử tháng 8 năm 2017. “Lũ đến nhanh khiến hầu hết mọi người trong bản không kịp trở tay. Tôi chỉ kịp bế con gái cùng vợ chạy lên được ngôi nhà cao nhất ở trong bản, bất lực nhìn ngôi nhà của mình bị cuốn trôi. So với những gia đình có người thân bị lũ cuốn thì những mất mát về vật chất của chúng tôi chưa là gì” - anh tâm sự.

Hơn một năm qua, được sự động viên kịp thời của các cấp chính quyền, vợ chồng anh được nhận một ngôi nhà mới, một con bò sinh sản và 30 triệu tiền mặt. Hằng ngày anh đi làm thuê ở xã Ngọc Chiến, vợ ở nhà chăn nuôi bò và chăm sóc 70 cây xoài ghép. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh luôn tin rằng chỉ cần nỗ lực vợ chồng anh sẽ sớm xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang.

Trong căn nhà mới được dựng tạm bằng cọc thép, mái tôn tại điểm tái định cư Bản Hốc, anh Lý Văn Hùng vẫn chưa hết nguôi ngoai về những thiệt hại của cơn lũ đối với gia đình. Trước khi cơn lũ đến, gia đình anh cũng có của ăn của để, có lợn, có gà, có vốn buôn bán ở chợ hằng ngày, cuộc sống cơ bản được đảm bảo. Nhưng... cơn lũ đã quét sạch mọi tài sản của gia đình anh, cho dù hiện tại gia đình đã được Nhà nước hỗ trợ, bố trí nhà tạm, cấp gạo ăn một năm và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, nhưng chưa biết đến lúc nào mới có thể có được mức sống như cũ.

Anh Hùng chia sẻ: Hiện tại công việc hằng ngày của anh là đi nương. Thời gian qua, theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo sự tuyên truyền của xã, gia đình anh đã chuyển từ trồng ngô, trồng sắn sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Mặc dù phải hơn một năm nữa xoài mới được thu hoạch nhưng nhờ hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền trong việc lấy ngắn nuôi dài, gia đình anh trồng đỗ tương, lạc nên cuộc sống cơ bản có đồng ra, đồng vào.  

Theo anh Hùng, khó khăn của bà con là quỹ đất sản xuất hiện ít. Anh mong muốn chính quyền sớm quy hoạch lại đất sản xuất, bố trí cho gia đình thêm quỹ đất để đảm bảo an ninh lương thực.

Chị Cà Thị May – hội viên hội phụ nữ Bản Hốc cho biết: “Gia đình cũng có được hỗ trợ một số con giống, cây trồng ngắn ngày để đảm bảo đời sống, nhưng với mức thu nhập như hiện tại, để trở lại cuộc sống như trước đây vẫn còn đầy gian nan, thử thách". Cũng như anh Hùng, chị May cũng hy vọng sẽ sớm nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền, tạo lực đẩy cho các hộ dân kiếm thêm thu nhập.

Theo đồng chí Quảng Văn Loa – Bí thư Đảng ủy xã Nặm Păm: Sau khi ổn định đời sống đồng bào ở các điểm tái định cư, xã tập trung cải tạo lại nguồn đất và quỹ đất, đồng thời nhanh chóng làm “thanh thản” lòng suối để sớm quy hoạch lại và chia lại đất sản xuất cho bà con. Việc chia lại đất sản xuất dựa trên đóng góp của những hộ dân đã cống hiến đất ruộng lúa để xã lấy làm điểm tái định cư cho 51 hộ dân, trên tinh thần bà con hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Theo đồng chí Quàng Văn Loa, Bí thư Đảng ủy xã Nặm Păm, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng ủy xã cùng các cấp ủy đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước như: “Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…; đồng thời, nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác chuyên môn gắn với công tác dân vận, với phương châm “gần dân, lắng nghe dân”. Nhờ vậy, thời gian qua, người dân trong xã luôn đồng lòng, đoàn kết trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội của huyện.


 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được huyện Mường La nói chung và xã Nặm Păm nói riêng
triển khai toàn diện, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình

Gần 10 năm ở cương vị Trưởng bản Hua Nặm, với đồng chí Cà Văn Biên mỗi ngày được chứng kiến cuộc sống của nhân dân trong bản đổi thay tích cực là niềm vui và hạnh phúc của anh. Thành công mà đồng chi có được chính là sự ghi nhận của bà con, điều đó là động lực để Trưởng bản Hua Nặm nỗ lực nhiều hơn nữa ở cương vị Trưởng bản.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các hộ gia đình trong vùng tái định cư sau lũ, đồng chí Cà Văn Biên chia sẻ: Có lẽ những mất mát sau trận lũ lịch sử năm 2017 là một thử thách mà thiên thiên mang đến Nặm Păm.

Bản thân gia đình anh cũng bị thiệt hại nặng nề sau lũ. Nhưng hơn ai hết, là một Trưởng bản, anh hiểu rằng, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước, làm trước thì khi tuyên truyền, vận động nhân dân mới nghe theo. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc là một minh chứng rõ ràng.

Người dân ở Nặm Păm nói riêng, người dân ở Mường La nói chung đã quen với cách thức canh tác truyền thống là trồng ngô, trồng sắn… vì thế việc tuyên truyền để bà con chuyển sang trồng cây ăn quả không phải là việc dễ. Biết bao nhiêu cuộc họp, biết bao nhiều buổi tuyên truyền được tổ chức, để bà con hiểu rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vậy mà khi đến vận động, tuyên truyền thì hầu hết người dân vẫn không muốn “mạo hiểm” thay đổi.

Nghĩ nhiều về việc này, anh Biên và các trưởng bản khác đã kiến nghị với lãnh đạo xã cho mình được tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước. Trong quá trình thực hiện anh đã tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc để hướng dẫn khi bà con cần. Chính sự mạnh dạn của những trưởng bản, những cán bộ xã mà bà con đã tự nguyện xin được nhận giống cây để trồng trên nương nhà mình. “Với các vùng đồng bào dân tộc, trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, vì vậy phải miệng nói, tay làm, khi người dân thấy hiệu quả họ sẽ tự động làm theo”. Trưởng bản Cà Văn Biên bộc bạch.

Anh kể: “Ở bản tôi có hai trường hợp cụ thể là gia đình ông Lường Văn Tiên và Lò Văn Hoa. Đây là những người lớn tuổi trong bản, đã quen với cách thức canh tác truyền thống nên khi được tuyên truyền vận động việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thì các ông đều phản đối dữ dội. Tôi nhớ khi đến gặp, họ mắng tôi là trẻ không có kinh nghiệm, thích thể hiện. Bao năm nay trồng sắn, trồng ngô mới có cuộc sống như thế này, giờ trồng xoài, trồng bưởi mấy năm mới được thu hoạch, thì dân sống bằng gì?”.

Những lo lắng đó không phải là sai, nhưng nếu không mạnh dạn thay đổi thì cuộc sống của bà con mãi nghèo, cái đói mùa giáp hạt sẽ còn kéo dài mãi. “Lúc ấy tôi nghĩ chỉ cần hai người lớn tuổi trong bản đồng ý, thì việc vận động những hộ gia đình khác chỉ là chuyện nhỏ. Bởi vậy, tôi vừa chăm sóc thật tốt cho những cây xoài trên chính nương ngô của mình, vừa mời họ đến tham quan. Khi xoài chưa được thu hoạch, gia đình tôi trồng đậu tương, trồng lạc, lấy ngắn nuôi dài. Từ người thực, việc thực, ông Tiên và ông Hoa đã chủ động chuyển đổi diện tích đất nương của gia đình sang trồng xoài, trồng bưởi. Họ cũng là những người chủ động vận động con, cháu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của huyện.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy huyện Mường La Lò Văn Tưởng cho biết: Dù khó khăn còn nhiều, nhưng từ tình yêu thương của đồng bào cả nước, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hơn hết đó là sự nỗ lực của bà con nhân dân, năm 2019 và những năm tới đây, cuộc sống của bà con ở Nặm Păm sẽ được nâng lên, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. “Chỉ vài năm nữa khi các nhà báo trở lại Mường La, trở lại Nặm Păm tôi tin sẽ thấy một Nặm Păm hoàn toàn khác”. Phó Bí thư Thường trực Huyện Mường La nhấn mạnh…/.

Nguồn: dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi