|
Mô hình nuôi cá lồng được kỳ vọng giúp dân các xã biên giới
huyện Điện Biên nâng cao thu nhập |
Vốn ít lại chậm Triển khai
Theo Quyết định 1573/QÐ-TTg, tỉnh Điện Biên được triển khai Ðề án 29 trên địa bàn 29 xã biên giới thuộc bốn huyện, gồm: Ðiện Biên (12 xã), Mường Chà (ba xã), Nậm Pồ (tám xã) và Mường Nhé (sáu xã). Với tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư trực tiếp, vốn sự nghiệp và các nguồn khác, với hy vọng đến năm 2020, toàn bộ số xã vùng dự án sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai Đề án 29, hiệu quả xây dựng NTM tại các xã chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông Hà Xuân Mừng, Phó Chánh Văn phòng Ban điều phối NTM tỉnh Điện Biên - người dày công khảo sát thực địa, nghiên cứu xây dựng và thực hiện Đề án cho biết: Trong số 29 xã thuộc Đề án, đến giờ mới có sáu xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, gồm: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông (huyện Điện Biên); Sín Thầu (huyện Mường Nhé) và Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn quá nhiều (22 xã) và chỉ một xã đạt 15 tiêu chí. Theo mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2020 có bảy xã được công nhận NTM, hai xã đạt 16 tiêu chí, một xã đạt 14 tiêu chí, năm xã đạt 13 tiêu chí, năm xã đạt 12 tiêu chí, bảy xã đạt 11 tiêu chí, hai xã đạt 10 tiêu chí và không còn xã dưới 10 tiêu chí, thấy rằng, khối lượng công việc còn rất nhiều. Khó nhất là nguồn vốn, bởi không có vốn thì không thể hoàn thành các tiêu chí như: điện, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn…
Ông Hà Xuân Mừng thẳng thắn: “Tiếng là Đề án đặc thù cho địa bàn đặc thù nhưng hơn hai năm qua, Điện Biên không được cấp kinh phí trực tiếp để thực hiện, trong khi nhu cầu nguồn vốn này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Còn nguồn vốn sự nghiệp được cấp 78 tỷ đồng cho hai năm (2017 là 60 tỷ đồng; 2018 là 18 tỷ đồng) nhưng mãi tới tháng 9-2017, Bộ Tài chính mới có văn bản hướng dẫn, nên cố gắng lắm cuối năm 2017, Điện Biên mới giải ngân được 30 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các mô hình, cấp cây, con giống cho người dân; còn 30 tỷ đồng lại theo thủ tục hoàn Trung ương.
Nói về khó khăn khi thực hiện các mô hình hỗ trợ, ông Nguyễn Vũ Phan, nguyên Chủ tịch UBND xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cho biết: Năm 2017, Sín Thầu được cấp 750 triệu đồng vốn sự nghiệp, xã triển khai tám mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, tổng diện tích 29,4 ha, thu hút 294 hộ tham gia. Quá trình triển khai các mô hình đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Nhưng với chính quyền địa phương thì “vừa làm vừa lo” vì thời điểm thực hiện chưa có văn bản hướng dẫn, cán bộ xã vừa làm vừa xin ý kiến Ban Chỉ đạo NTM huyện và tỉnh. Cũng vì chậm triển khai hỗ trợ nên hết năm 2017, xã Sín Thầu chưa thể đánh giá hiệu quả các mô hình mà phải kéo sang năm 2018. Đến thời điểm này, Sín Thầu cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí để đề nghị công nhận xã NTM.
Người dân, chính quyền… trông đợi
Ngoài khó khăn về vốn, thủ tục giải ngân, một trong những nguyên nhân khiến Đề án triển khai chậm chính là tư tưởng trông đợi từ người dân và cả chính quyền một số xã, huyện. Các xã Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) có điều kiện thuận lợi hơn về giao thông, điện, trường… nhưng cấp ủy, chính quyền ít quyết tâm; một bộ phận người dân lại thờ ơ, trông đợi nên kết quả xây dựng NTM ở các xã này không đạt. Đến cuối năm 2018, Ma Thì Hồ mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí; Na Sang đạt 8 trong số 19 tiêu chí và Mường Mươn có khá hơn, nhưng mới chỉ đạt 15 trong số 19 tiêu chí. Ngay việc triển khai hỗ trợ trực tiếp cho các xã và hỗ trợ đào tạo nghề trong năm 2018 của huyện Mường Chà cũng chậm trễ hơn. Ông Hà Xuân Mừng đánh giá: Chậm triển khai, chậm báo cáo, tận cuối năm 2018, Mường Chà vẫn chưa hoàn thành báo cáo thực hiện các mô hình hỗ trợ nên kinh phí đầu tư gần hai tỷ đồng chưa có báo cáo cụ thể hỗ trợ bao nhiêu cho mô hình gì? Điều đó phần nào cho thấy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà trong triển khai thực hiện Đề án 29. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, người dân lại mong muốn “giữ mãi chuẩn xã khó” để được hỗ trợ nhiều hơn. Do vậy, không chỉ người dân không muốn thoát nghèo mà cán bộ một số xã, huyện, cũng không muốn thoát diện khó khăn.
Nhận thấy tồn tại này, tháng 10-2018, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh Điện Biên đã yêu cầu tất cả các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết quyết tâm thực hiện chương trình NTM với lộ trình, kết quả cụ thể. Theo bản cam kết, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh sẽ đối chiếu cụ thể kết quả thực hiện NTM của từng địa phương, lấy đó làm căn cứ đánh giá thi đua của huyện và lãnh đạo huyện. Bằng cách làm đó, việc đánh giá các tiêu chí NTM ở cấp huyện nói chung, các huyện biên giới thuộc Đề án 29 nói riêng đã chuyển biến rõ rệt; số xã dưới năm tiêu chí giảm rất nhiều; tiêu chí NTM đi vào thực chất hơn.
Tiêu biểu như Chà Nưa là xã diện khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ, nay trở thành xã điểm xây dựng NTM của địa phương. Đồng chí Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Bước vào xây dựng NTM, Chà Nưa mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; các tiêu chí không đạt là đường giao thông, điện, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân…
Qua phân tích từng tiêu chí, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa nhận thấy, ngoài nguồn vốn đầu tư, việc xây dựng NTM cần sự tích cực của mỗi người dân do vậy Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐU, về lãnh đạo thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn xã, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Nghị quyết xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu từng giai đoạn cụ thể, chỉ đạo UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM từ cấp xã đến các bản; cán bộ, đảng viên gương mẫu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hiến đất làm đường, góp tiền, góp ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế xã, công trình thủy lợi, đường nội đồng, đường tuần tra bảo vệ rừng. Sau hơn hai năm tích cực triển khai theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với nguồn vốn được đầu tư hơn 16,5 tỷ đồng, xã Chà Nưa đã huy động nhân dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động trị giá hơn 2,8 tỷ đồng để bê-tông hóa 10 tuyến đường nội bản với tổng chiều dài 8,3 km; đào đắp 7 km đường nội đồng và làm 11 tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng với chiều dài 36 km; xây dựng 106 lò đốt rác theo nhóm hộ phù hợp với địa bàn dân cư; 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt và 86,06% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh…
Đến cuối năm 2018, Chà Nưa cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, được Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đề nghị công nhận xã NTM.
Để về đích xây dựng NTM như kế hoạch, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh Điện Biên cần yêu cầu: cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các xã phải xác định rõ trách nhiệm, nội dung, nhiệm vụ thực hiện. Cán bộ được giao thực hiện chương trình phải hiểu rõ về phương thức, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; nắm chắc chính sách, dám làm dám chịu trách nhiệm, cùng người dân quyết tâm thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, để nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia xây dựng NTM bằng hành động cụ thể.
Nguồn: nhandan.com.vn