Thứ Năm, 23/1/2025
Chư Pah đổi mới công tác dân vận
Người có uy tín ở huyện Chư Pah tích cực tham gia công tác dân vận

Theo ông Lâm Văn Đỉnh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Chư Pah, tỉnh Gia Lai là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 52%, sinh sống ở 123 thôn, làng của 15 xã, thị trấn. Hầu hết bà con sản xuất nông nghiệp, thu nhập không ổn định, trình độ dân trí hạn chế, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm.

Xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cuộc sống mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng công tác dân vận vào thực tế đời sống của bà con. Thực hiện vận động bằng nhiều phương pháp, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt. Chú trọng phát huy vai trò cộng đồng thôn, làng trong quản lý, giáo dục làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Từ đó, nhiều địa phương đã có những thay đổi rõ nét”-ông Đỉnh cho biết. 

Ông Lâm Văn Đỉnh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Pah: “Việc thực hiện tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tập hợp sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương”. 

Những năm trước đây, Ia Phí là một trong những xã tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Trong làng khi có ma chay, cưới hỏi thì kéo dài hàng tuần; cả làng ăn uống tốn kém, lãng phí. Nhận thấy đây là tập quán không tốt, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các hộ dân nên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng với Ban công tác Mặt trận các làng tổ chức họp dân, bàn bạc thống nhất xây dựng hương ước, quy ước quy định việc cưới, việc tang theo đời sống mới.

Ông Rơ Châm Haih - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Phí-chia sẻ: “Toàn xã có 98% số hộ là đồng bào dân tộc Jrai với những phong tục, tập quán từ lâu đời. Để thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu của bà con là điều không dễ dàng và không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Sau khi được vận động, tuyên truyền, thấy được lợi ích khi thực hiện nếp sống mới, đến nay, các hộ trong xã đều đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”. 

Cũng như xã Ia Phí, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Nghĩa Hưng rất quan tâm đến công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng-thông tin: Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Hưng đã thành lập Ban chỉ đạo với thành viên là người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể; phân công Đảng ủy viên phụ trách các thôn để tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Kết quả, nhiều thôn, làng đã làm tốt phong trào này. Trong đó tiêu biểu là làng Bui. Hiện làng được huyện chọn là điểm xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2018 đến nay, các hộ dân làng Bui đã tiên phong hiến đất giải phóng mặt bằng, mở rộng mặt đường lên 3,5 m, bê tông hóa đường trục trong làng và nội đồng. Phong trào được bà con đồng thuận cao, nhiều hộ sẵn sàng hiến đất thực hiện chủ trương chung”.

Không chỉ riêng xã Ia Phí, Nghĩa Hưng mà các xã, thị trấn còn lại của huyện Chư Pah cũng đang tích cực đổi mới công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đi đầu là các xã: Ia Mơ Nông, Nghĩa Hòa, Ia Khươl, Đak Tơ Ve với nhiều mô hình dân vận khéo, sáng tạo, lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao hiệu quả nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ vững an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh./.

Nguồn: baogialai.com.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi