Thứ Năm, 25/4/2024
Làm dân vận tận buôn làng

 Đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống bà con
 là một trong những giải pháp làm dân vận hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương khẳng định: “Sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS chính là sự nỗ lực tự vươn lên của bà con. Và sự nỗ lực ấy chỉ có được khi bà con nhận thức đúng, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cả khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Bởi vậy hệ thống chính trị từ huyện đến xã phải gần dân, sát dân để bà con tin, hiểu và nỗ lực”.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương nhiều năm qua luôn chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, hướng về cơ sở, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đơn cử như việc phát huy vai trò của già làng, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ này là lực lượng quan trọng đi sâu vào từng vấn đề cụ thể còn tồn tại trong các buôn làng làm giảm sự phát triển của khu vực này như: vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tình trạng di cư tự do từ các nơi khác đến như các hộ dân ở Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông di cư đến Tiểu khu 26, 27 xã Đưng K’Nớ. Một số hộ dân ở thôn Cổng Trời, xã Mê Linh di cư tự do về Tiểu khu 11A, xã Lát…

Xác định cán bộ người DTTS sẽ là cầu nối hiệu quả nhất giữa chính quyền địa phương và bà con. Thông qua đội ngũ này, việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con dễ dàng hơn. Mặt khác, việc đội ngũ cán bộ là người DTTS ở địa phương có nhiều như Lạc Dương cũng góp phần tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào bộ máy. Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhiều năm qua, thông qua các chương trình, Đề án 50, nhiều cán bộ là người DTTS đã và đang phát huy tốt vai trò trong bộ máy”. Đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cấp xã phần lớn là người DTTS chiếm tỷ lệ trên 80% trong tổng số cán bộ công chức cấp xã, thị trấn. Trong thời gian qua, việc bố trí việc làm cho con em người DTTS tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được chú trọng. Cụ thể, đã bố trí việc làm cho 21 người, tuyển dụng 24 công chức cấp xã, trong đó có 5/6 sinh viên dân tộc thiểu số theo Đề án 50.

Ông Thân Xuân Quý - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương nói thêm: “Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung và trong vùng DTTS nói riêng nên Ban Dân vận cùng các cơ quan, đơn vị khác đã tiến hành thực hiện nội dung này theo phương châm hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Qua đó, xây dựng các phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, phá rừng làm rẫy, vay tín dụng đen.... vận động đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống”.

Chị Dơng Gu Ka Li - Trưởng thôn Đông Mang xã Đa Chais nói: “Xã Đa Chais rất quan tâm tới thôn nghèo Đông Mang nên đã có nhiều nguồn vốn để xây dựng đường sá khang trang ở trong thôn. Bà con còn được vận động, giúp đỡ, hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ cà phê sang rau, hoa, góp phần nâng cao thêm thu nhập”.

Nhiều chuyển biến trong vùng đồng bào DTTS 

Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các tổ chức cơ sở đảng, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy tỉ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm: năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,75%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 4,9% (theo tiêu chí cũ); năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo còn 7,9%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 10,83% (theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo toàn huyện năm 2017 chiếm tỷ lệ 13,27% và hộ cận nghèo đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 18,28%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,2%. Trong đó, hộ nghèo là DTTS giảm 3,5%.

Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar cho biết: Trên địa bàn xã có gần 1.031 ha là các tiểu khu sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà kính. Diện tích này kéo dài từ đầu Thái Phiên (Phường 12, TP Đà Lạt) đến cầu Đa Sar. Trong đó, 31 ha của bà con DTTS. Ông Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim nói thêm: Trong năm 2017, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ. Hiện toàn xã có khoảng 200 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới. Trong đó, có 50 ha của bà con người Kinh, 20 ha của bà con DTTS…

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được chú trọng đầu tư, chính sách xóa đói giảm nghèo được tập trung thực hiện với việc lồng ghép từ nhiều nguồn vốn. Đó là các Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình trợ giá, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi... Chỉ riêng chi hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong 3 năm với tổng kinh phí trên 966 triệu đồng cho 453 học sinh, sinh viên…

Gần dân, sát dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, chú trọng phát triển kinh tế nâng cao chất lượng đời sống là những mục tiêu mà huyện Lạc Dương đặt ra trong thực hiện công tác dân vận nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong vùng đồng bào DTTS./.

Nguồn: baolamdong.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất