Thứ Bảy, 21/12/2024
Quảng Ninh: Tiếp tục chăm lo đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc

Mặc khác, công tác giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương đặc biệt chú trọng, từ đó củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.


 Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh thăm, tặng quà nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019
cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách ở xã Lương Mông (Ba Chẽ)

Với trên 1,2 triệu dân, Quảng Ninh có 21 dân tộc anh em ít người sinh sống, chiếm khoảng 12,52% tổng dân số toàn tỉnh. Do đặc thù đồng bào dân tộc ít người chủ yếu sinh sống tại khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, hải đảo, nên nhiều năm trước, mặc dù đã được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, nhưng nhìn chung cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ dân sinh còn thiếu và yếu...

Nhằm giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của cử tri vùng đồng bào dân tộc ít người, những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc với những bước đi phù hợp, hiệu quả. Trước hết, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào dân tộc ít người về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với đất nước, địa phương.

Nội dung chính là về các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác vận động bà con các dân tộc ít người tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo, phát triển kinh tế, đấu tranh xoá bỏ tập tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan ra khỏi cộng đồng dân cư…

Việc quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc ít người là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nên được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện cả bề rộng và chiều sâu trong thời gian gần đây thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án, nhất là Chương trình 135 và Đề án 196... Chỉ tính trong năm 2018, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại các quyết định phê duyệt Đề án 196, UBND các địa phương có Chương trình 135 đã phê duyệt quyết định đầu tư 317 danh mục công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 17 xã đặc biệt khó khăn, 2 xã biên giới và 54 thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng số vốn được phân bổ trên 307 tỷ đồng. Đến nay đã triển khai thực hiện được trên 287 tỷ đồng... Nguồn vốn này được tập trung cho xây dựng 119 tuyến đường giao thông sửa chữa và xây dựng 37 công trình nhà văn hóa, nâng cấp 26 công trình nước sạch, 120 công trình thủy lợi, 2  trạm y tế, 14 trường mầm non, tiểu học, 3 đường điện hạ thế... Đến nay, nhiều công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực...

Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trên cơ sở nhu cầu thực tế tại cơ sở, tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương. Trong năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất 39,853 tỷ đồng và đã triển khai hỗ trợ 3.294 hộ với 95 dự án trồng trọt và chăn nuôi.


 Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Hoành Mô thường xuyên tổ chức khám bệnh,
cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu

Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Do triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc của tỉnh đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tiêu biểu 100% xã được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc tăng mạnh sau mỗi năm...

Theo kết quả rà soát năm 2018 tại 17 xã, 54 thôn đặc biệt khó khăn, đã giảm được 1.965 hộ nghèo, giảm 676 hộ cận nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Cùng đó, nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào đã được bảo tồn, phát huy giá trị và các chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đồng bào dân tộc thường xuyên được tỉnh chăm lo... Về nhiệm vụ thời gian tới, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng của cử tri vùng đồng bào dân tộc,  tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ phát triển sản xuất với những cách làm, bước đi cụ thể, hiệu quả hơn./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất