Thứ Bảy, 20/4/2024
Nho Quan: Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc

 Lãnh đạo huyện Nho Quan tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
của huyện nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống văn hóa xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Vì vậy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được cải thiện đáng kể; mức sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào vùng dân tộc, miền núi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2018, một số chính sách cụ thể đang thực hiện trên địa bàn như Chương trình 135 được triển khai thực hiện tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đầu tư cho 14 công trình với tổng kinh phí 9.240 triệu đồng. Thực hiện duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ 5 công trình tại 5 xã đặc biệt khó khăn, cụ thể mỗi xã được phân bổ 111 triệu đồng.

Cũng trong năm 2018, thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 987 hộ nghèo của 5 xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn (xã khu vực II). Theo đó đã hỗ trợ trực tiếp 356 con trâu, bò sinh sản cho 365 hộ; 36.600 con gà ri lai, 6.100kg thức ăn chăn nuôi, 3.050 gói thuốc phòng bệnh ban đầu cho 610 hộ; 21 máy cày cầm tay cho 21 hộ.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm chỉ đạo phối hợp thực hiện chính sách cho vay đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đến 31/12/2018 đã có 1.663 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng dư nợ là 35,02 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo 8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cho 1.105 hộ, số tiền 152.076.000 đồng. Do đồng vốn vay được sử dụng hiệu quả nên đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có giá trị cao như: Nuôi hươu, nhím, ong, lợn cắp nách... đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Trên cơ sở đó đồng bào tích cực đóng góp xây dựng quê hương, diện mạo nông thôn các xã vùng dân tộc, nhất là các xã đặc biệt khó khăn ngày càng đổi mới. Đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% số hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh..

Xác định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò và sự tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện tại huyện Nho Quan có 57 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại 57 thôn, bản. Trong đó người có uy tín là cán bộ, trí thức đã nghỉ công tác 13 người; người có uy tín là trưởng thôn, xóm, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… ở vùng dân tộc thiểu số 19 người; người có uy tín là nhà giáo dạy giỏi, người làm nghề chữa bệnh, sản xuất kinh doanh giỏi và các thành phần khác ở vùng dân tộc thiểu số là 24 người. 

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hằng năm tổ chức rà soát, bình chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng quy định. Thực hiện cấp báo, tạp chí cho người có uy tín đảm bảo số lượng, thời gian; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương theo hình thức lồng ghép với các hội nghị chuyên đề.

Đáp ứng kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự phát huy vai trò và tích cực tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở. Nhiều người có uy tín là trưởng thôn, bản và là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Thông qua các cuộc vận động, các hội nghị ở địa phương, nhiều người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giúp cấp ủy cơ sở có chủ trương đúng đắn về công tác cán bộ, công tác vận động quần chúng, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã có 2/8 xã là Yên Quang, Xích Thổ đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất