Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.247 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và là cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách phát triển toàn diện, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số có ý thức vươn lên, không cam chịu đói nghèo, phát huy nội lực xây dựng bản làng. Nhiều chương trình đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số đã thực hiện có hiệu quả; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh giảm gần 6%/năm. Đạt được kết quả này, có phần đóng góp không nhỏ của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, họ là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.
|
Ông Trần Văn Nguyên, người có uy tín người Dao thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn)
chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi đường trên đất vườn đồi với người dân |
Là người có uy tín với bà con đồng bào Dao Thanh y thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), ông Trần Văn Nguyên thấu hiểu được những khó khăn của bà con địa phương, từ đời sống sinh hoạt cho đến lao động sản xuất. Ông tích cực giáo dục con cháu, vận động đồng bào trong thôn, đặc biệt là thế hệ trẻ về giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao, trong đó có tiếng nói và trang phục. Trong phát triển kinh tế, ông tích cực vận động bà con tăng gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để đạt năng suất cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, thôn có trên 120 ha rừng, 25 ha mía, 50 ha cây ăn quả là na, bưởi ngọt; 100% số hộ dân có điện thắp sáng, an ninh được đảm bảo.
Thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên (Sơn Dương) hiện có 55 hộ gia đình với trên 260 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Nùng. Ban công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể trong thôn đã tích cực vận động người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường với mô hình “mỗi nhà dân một hố chứa rác sinh hoạt” và “hố rác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại các khu đất trồng cây nông nghiệp… Đến nay trên 80% số hộ gia đình trong thôn đã có hố chứa rác sinh hoạt. Thôn còn vận động người dân làm được 800 m đường điện nông thôn với tổng kinh phí trên 9 triệu đồng; tập trung phát triển 19 ha chè, gần 20 ha mía để tăng thu nhập, giảm nghèo… Thực hiện tốt công tác dân vận, Ban công tác Mặt trận thôn Cao Tuyên là điển hình được Huyện ủy Sơn Dương khen thưởng trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2018.
Nà Ráo là thôn khó khăn nhất của xã Khuôn Hà (Lâm Bình) với 42 hộ gia đình người Tày, người Dao sinh sống. Hiện thôn đã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, kết quả này có phần đóng góp của Bí thư Chi bộ, người có uy tín Triệu Văn Ton. Anh Ton đã đến từng nhà vận động người dân trồng cây vụ 3 như rau màu, ngô đông để chăn nuôi trâu, bò; hướng dẫn người dân cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…, qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của thôn. Năm 2015, thôn có 37 hộ gia đình thuộc diện nghèo đến cuối năm 2017, hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 21 hộ. Cùng với vận động người dân phát triển kinh tế, anh Ton vận động người dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng cơ sở trong thôn. Những gì mà anh Triệu Văn Ton làm được đã góp phần cùng thôn thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần cùng xã Khuôn Hà thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Kim Tường, Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh, để động viên, khích lệ người có uy tín, phòng tiếp tục tham mưu thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có uy tín; chú trọng việc bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn