Thứ Năm, 23/1/2025
Đắk Lắk: Những "điểm tựa" vững chắc của buôn làng

Đi đầu trong mọi phong trào

Là người có uy tín trong buôn, ông Y Hun Bkrông (buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) luôn nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tin, không nghe theo kẻ xấu... Nhớ lại trước đây, tình hình an ninh trật tự ở buôn có nhiều phức tạp, trong đó, có một số đối tượng bị lôi kéo tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp, không chỉ gây khốn đốn cho gia đình mình mà còn liên lụy đến người thân, anh em họ hàng. Trước thực trạng đó, ông Y Hun đã tiếp cận để phân tích, tuyên truyền và vận động người dân trong buôn không tin, không nghe theo những lời dụ dỗ, vì lợi ích trước mắt mà tham gia. Cũng nhờ đó, khi vụ việc bị cơ quan chức năng phanh phui, buôn Cư Êbông chỉ có 4 trường hợp trong tổng số gần 50 người trên địa bàn xã Ea Kao bị công ty đa cấp lừa gạt. Ông cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên những đối tượng trong buôn trước đây từng theo Fulrô yên tâm làm ăn, phát triển sản xuất, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương.


 Ông Y Hun (trái) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất với người dân trong buôn

Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động để người dân tin tưởng và làm theo, trong phát triển kinh tế ông Y Hun luôn chịu khó học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhà có 1,5 ha đất trồng cà phê và 1 ha lúa nước, để giảm chi phí đầu tư cũng như tăng năng suất, chất lượng cây trồng, ông đã tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, rơm, phân bò để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây. Từ cách làm này của ông, hầu hết các hộ dân trong buôn đã học tập làm theo, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Ngoài ra, ông Y Hun còn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới như: tự giác phá dỡ hàng rào, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn; xóa bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, không xả thải ra môi trường công cộng…

Với những đóng góp của ông Y Hun, từ nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự ở buôn Cư Êbông luôn được giữ vững, nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Toàn buôn có trên 200 hộ dân nhưng đến nay chỉ còn 6 hộ nghèo.

“Sợi dây” gắn kết buôn làng

Rời quê Thanh Hóa vào Đắk Lắk làm kinh tế mới từ năm 2004, đến nay sống tại vùng quê mới gần 15 năm, ông Hà Văn Cường (dân tộc Thái, thôn Lầu Nàng, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) trở thành người được các hộ dân trong thôn nể phục, kính trọng. Tuy không giữ chức vụ gì nhưng ông được người dân tin tưởng, thường đứng ra hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, xích mích, bảo đảm an ninh trật tự trong thôn. Cách đây 3 năm, trong thôn có cặp vợ chồng trẻ mâu thuẫn trầm trọng khiến hôn nhân đứng trên bờ vực tan vỡ. Khi hai bên đã gửi đơn ly hôn, chuẩn bị ra tòa, ông Cường đã gặp gỡ từng người để nói chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phát hiện ra mâu thuẫn trên chỉ là hiểu nhầm do cả hai đều đi làm ăn xa.

Ông cùng Ban tự quản thôn kiên nhẫn phân tích đúng sai, giúp hai vợ chồng xóa bỏ hiểu nhầm, hàn gắn tình cảm, ở lại quê hương cùng xây dựng kinh tế.

 

 Ông Hà Văn Cường chia sẻ kinh nghiệm về việc hòa giải mâu thuẫn
tại Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk

Hay như mới đây, trong một đám cưới tại thôn, hai người đàn ông uống rượu dẫn tới xích mích, đánh nhau. Ông đã kịp thời có mặt để giải quyết, sau khi nghe ông phân tích hai bên đã nhận ra đúng sai, xin lỗi nhau. Không những thế, ông còn khuyên răn, giải thích để họ nhận thức rõ vấn đề, tránh tình trạng vẫn còn hằn học hay gây chuyện về sau. Chia sẻ về cách làm của mình, ông Cường cho biết: “Mỗi vụ mâu thuẫn có một cách phân giải khác nhau, ngoài tuân thủ theo pháp luật còn dựa vào tục lệ của người Thái để giải quyết sao cho hợp tình và dễ hiểu”.

Ngoài việc tham gia hòa giải các vụ ly hôn, xích mích, mẫu thuẫn, ông Cường còn có nhiều đóng góp trong các phong trào, công tác của địa phương như: tuyên truyền vận động người dân hạn chế sinh con thứ ba, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo vệ trật tự, an ninh biên giới…

Có thể nói, ở những vùng dân tộc thiểu số, chính những người có uy tín đã dựa vào kinh nghiệm và sự khéo léo của mình để thuyết phục, phân tích phải trái, đúng sai cho dân làng nghe theo. Trên đây chỉ là 2 trong tổng số 1.020 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Đắk Lắk. Họ là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: baodaklak.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi