Vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi vẫn bị coi là vùng trũng về tiếp cận pháp luật. Tình trạng an ninh trật tự vẫn còn có những diễn biến phức tạp, một số tà đạo vẫn tiềm ẩn. Từ đó yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) của tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa.
|
Nhân dân thôn Bó Cạu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang)
ký cam kết không vi phạm pháp luật năm 2019 |
Huyện Na Hang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Để công tác TTPBGDPL cho đồng bào các dân tộc được hiệu quả, huyện đã có nhiều giải pháp như đẩy mạnh xây dựng quy ước cơ sở, đến nay 127/127 thôn, tổ dân phố đã và đưa vào áp dụng thực hiện. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Na Hang đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; củng cố, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện huyện có 34 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 151 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, trên 80% người có trình độ chuyên môn luật và được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Xã Sinh Long (Na Hang) là một trong những địa phương có tình trạng người dân vi phạm lâm luật diễn ra khá phổ biến, còn có hủ tục, tảo hôn... Trước thực trạng đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; tập trung chỉ đạo và tổ chức các buổi tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp thôn, tới từng hộ dân, từng đối tượng. Hàng năm, xã đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật. Cùng với đó xã đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho bà con quản lý. Đồng chí Hoàng Văn Phin, Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết, xã có quy định mỗi cán bộ, công chức xã phải dành 2 ngày trong tuần để xuống thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó đến nay, Sinh Long trở thành điểm sáng của huyện Na Hang về công tác TTPBGDPL.
Phát huy vai trò của mình, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã và đang thực hiện tốt công tác phối hợp trong PBGDPL và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đã chủ động cập nhật thông tin về chính sách pháp luật để phổ biến cho người dân; tuyên truyền trực tiếp tại từng hộ có nhu cầu, gián tiếp thông qua các buổi họp tổ dân hoặc các buổi sinh hoạt chi hội, chi đoàn.
Bà Đặng Thị Tén, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Minh An, xã Ngọc Hội cho biết, những năm trước đây trên địa bàn thôn có nhiều người dân tham gia khai thác vàng trái phép, tình trạng thanh niên nghiện hút, vi phạm pháp luật diễn ra khá nhiều. Trước tình hình đó, Ban công tác Mặt trận thôn và các tổ chức đoàn thể trong thôn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện, xã tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng đối tượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Từ đó tình hình trật tự an ninh của thôn được đảm bảo, trên địa bàn đã không còn tình trạng khai thác vàng trái phép, các đối tượng nghiện hút của thôn đã chủ động cai nghiện bằng hình thức tự nguyện.
Với đặc thù là cơ quan quản lý về dân tộc của tỉnh, đối tượng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Ban Dân tộc tỉnh hướng đến là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc đã tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Công tác PBGDPL được lồng ghép với công tác chuyên môn, các chương trình, đề án, dự án khác như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025”; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 2016 - 2020; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người…
Đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt công tác TTPBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các đề án về công tác TTPBGDPL thì trong thời gian tới cần phải tăng cường công tác nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo; chính sách y tế, văn hóa; đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu khu vực vùng sâu, vùng xa./.
(baotuyenquang.com.vn)