Thứ Năm, 23/1/2025
Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc tại huyện Tương Dương

 Toàn cảnh buổi làm việc

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IXvề công tác dân tộc, tình hình kinh tế xã hội huyện Tương Dương có bước phát triển khá, giai đoạn 2010 – 2018 tốc độ phát triển kinh tế  đạt 12,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2018 đạt hơn 27 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Toàn huyện đã có 4 xã và 6 bản đạt chuẩn NTM.

Công tác xóa đói giảm nghèo được cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2003 – 2018 đạt 3,94% đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 89,6% xuống còn 30,48% năm 2018.

Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Trình độ dân trí từng bước được nâng lên, tư tưởng trông chờ ỷ lại của nhân dân có chiều hướng giảm. Việc sản xuất hàng hóa chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tạo thành hàng hóa; tập trung và chú trọng về chất lượng sản phẩm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường củng cố.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm triển khai thực hiện từ quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng. Số lượng cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số năm 2018 có hơn 1.212 người, chiếm 54,94% tổng số cán bộ công chức, viên chức toàn huyện.


 Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam phát biểu

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, kinh tế - văn hóa xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Mông đã có những nét chuyển biến rõ nét. Đến năm 2018, có 5/6 xã vùng đồng bào dân tộc Mông có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 100% số xã có trạm y tế. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc Mông đạt 15,9 triệu đồng/năm/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 50,8% (321 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo).

Trước đây đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sinh sống ở vùng cao, giáp biên giới, khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác di, giãn dân, huyện đã chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc Mông di dân đến vùng có điều kiện tốt hơn để sinh sống, lao động sản xuất.  Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế đã được nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi đạt cao, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Quốc phòng – an ninh vùng biên giới ngày càng được củng cố và ổn định; giải quyết dứt điểm tình trạng trồng cây thuốc phiện và tình trạng di cư tự do ồ ạt như trước đây.

Đến nay, các bản có đồng bào dân tộc Mông đều có chi bộ. Tổng số đảng viên là người đồng bào dân tộc Mông là 153 đồng chí. Hiện toàn huyện có 22 cán bộ công chức cấp xã, 10 cán bộ công chức cấp huyện và 22 viên chức là người đồng bào dân tộc Mông.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45 – CT/TW vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, tổ chức chỉ đạo thực hiện một số chính sách dân tộc trong những năm qua thực hiện chưa thực sự đồng bộ. Kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tuy có nhiều chuyển biến tích cực và có bước phát triển mới nhưng vẫn còn hạn chế; một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chưa được bảo tồn và phát huy. Kết quả giảm nghèo chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tội phạm và tệ nạn ma túy, buôn bán người, phụ nữ lấy chồng bất hợp pháp với người nước ngoài có diễn biến đáng lo ngại…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tương Dương kiến nghị: Đề nghị bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chương trình, chính sách, dự án Chính phủ đã ban hành hiện nay đang còn hiệu lực; cho phép học sinh bậc trung học phổ thông được hưởng chính sách chế độ nội trú; chuyển từ cấp phát gạo theo Quyết định 116/QĐ-CP đối với học sinh và chế độ khoanh nuôi bảo vệ rừng sang cấp bằng tiền. Đồng thời cho phép chuyển một số diện tích rừng nghèo, không có khả năng phòng hộ, giá trị kinh tế thấp sang đất sản xuất lâm nghiệp để giao cho nhân dân thực hiện trồng rừng nguyên liệu…

Phát biểu tai buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đều đánh giá cao việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác dân tộc. Các đại biểu đề nghị lãnh đạo huyện cho biết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện là gì? Tại sao người dân lại đề nghị không cấp phát gạo mà đổi thành tiền? Tại sao người dân huyện Tương Dương lại không thể sống bằng nghề rừng…

Làm rõ các vấn đề đoàn công tác quan tâm, đồng chí Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: Điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện chính là việc người dân đi lao động tại địa bàn ngoài huyện, đặc biệt là số lượng lớn người lao động chui sang Trung Quốc. Việc người dân đi lao động ngoại tỉnh do điều kiện tự nhiên của huyện còn khó khăn; sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… Việc người dân không muốn hỗ trợ gạo là do người dân ở đây chủ yếu là sử dụng nếp, ít sử dụng gạo; việc vận chuyển gạo lên huyện khó khăn vì đường xa nên đẩy giá thành gạo lên cao nên người dân không mặn mà với việc nhận gạo.

Liên quan đến việc người dân không thể sống bằng nghề rừng vì hiện nay khi bảo vệ rừng thì người dân được hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm là rất thấp; vì vậy cần nâng tiền hỗ trợ lên để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho người dân.


 Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những cách làm của huyện Tương Dương trong việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW; hầu như những chỉ tiêu của chỉ thị và nghị quyết đều đạt và vượt. Đồng chí cũng lưu ý huyện trong thời gian tới, cần tập trung vào công tác đào tạo lao động; nỗ lực hơn trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Đối với các kiến nghị của huyện Tương Dương, đoàn kiểm tra sẽ tiếp thu và tổng hợp để trình Chính phủ, Quốc hội.

Trước khi làm việc với huyện Tương Dương, đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Lưu Kiền về tình hình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc.

Lưu Kiền là xã cách trung tâm huyện 18 km, có diện tích tự nhiên là 13.973,34 ha; Xã có 6 bản, với 939 hộ và 3.911 khẩu, trong đó hộ nghèo 299 hộ, chiếm 31,84%, gồm 3 dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Thái, Mông và Kinh. Trình độ dân trí không đồng đều, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm sau giảm so với năm trước.


 Đoàn tặng quà cho các học sinh nghèo

Sau khi nghe các kiến nghị của lãnh đạo xã, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu để kiến nghị lên Trung ương. Tại đây Đoàn kiểm tra đã tặng 50 suất quà cho học sinh nghèo và 25 suất quà cho các hộ nghèo và tặng quà cho xã Lưu Kiền. 

Tương Dương là huyện miền núi vùng cao, biên giới nằm phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, cách trung tâm thành phố Vinh 180 Km. Tổng dân số hơn 18.078 hộ với 75.166 nhân khẩu, trong đó có 16.383 hộ, 68.340 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 6 dân tộc anh em (Thái 53.401 khẩu chiếm 71%, Khơ Mú 9.926 khẩu chiếm 13,2%, Mông 3.626 khẩu chiếm 4,8%, Thổ 818 khẩu chiếm 1,1%, Ơ Đu 347 khẩu chiếm 0,47% và Kinh 6.846 khẩu chiếm 9,1%).

(nghean.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi