Thứ Sáu, 26/4/2024
Những nữ Già làng nơi biên viễn

Dành trọn cuộc đời cho người dân biên giới

Theo quan niệm thông thường của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, già làng phải là người đàn ông có sức mạnh, minh mẫn, uy tín, kiến thức uyên thâm để điều hành việc làng theo luật tục và bảo vệ được buôn làng. Nhưng làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, nữ già làng Ksor H’Blâm lại làm tốt trọng trách già làng hơn 20 năm qua.

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng đôi chân nữ già làng Ksor H’Blâm (74 tuổi) vẫn nhanh nhẹ, đi khắp rừng núi mang niềm vui đến người dân biên giới và trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.


 Già làng Ksơr H’Blâm là một trong 56 già làng tiêu biểu tỉnh Gia Lai.

Khi còn trẻ, 13 tuổi già đã đi làm giao liên, rồi về làm hậu cần, vận chuyển thuốc men, thực phẩm cho bộ đội. Sau 25 năm phục vụ trong Quân đội, già Ksor H’Blâm nghỉ hưu về làng Krông sinh sống và được bầu làm già làng từ năm 1995 đến nay. Già không bắt chồng mà dành trọn cả cuộc đời cho bà con vùng biên giới này.

Lớn lên ở mảnh đất biên cương, già H’Blâm hiểu rõ sự vất vả, gian khổ của người dân. Sớm được tiếp xúc với xã hội bên ngoài và có kiến thức, già tìm tòi, học hỏi rồi truyền đạt kiến thức khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho dân làng. Già Ksor H’Blâm còn dành toàn bộ số tiền lương dành dụm được mua bò lấy sức kéo cho bà con tăng gia sản suất, cho người dân vay tiền mua phân bón, thuốc trừ cỏ, các loại cây trồng, vật nuôi tạo sinh kế để bà con phát triển kinh tế. Nhờ già làng H’Blâm hướng dẫn mà đồng bào đã biết trồng lúa, đậu xen canh, nuôi bò, lợn để lấy phân bón cây trồng…

Già làng Ksor H’Blâm cho biết: Làng Krông, xã Ia Mơr giáp biên giới Campuchia có hơn 100 hộ dân, tất cả đều là dân tộc Jrai. Đất đai thì cằn cỗi chỉ trồng được cây sắn, cây ngô canh tác theo truyền thống cũ, năng suất thấp nên đói nghèo đeo bám mãi. Trong khi đó, dân làng còn nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn ăn sâu trong tâm thức bà con như, tục sinh đôi bỏ một, chôn chung, đau ốm mời thầy cúng… “Bây giờ, đời sống của người dân khá lên trông thấy, hộ nghèo đã giảm nhiều, hủ tục lạc hậu cũng dần bỏ hết. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà làng Krông là làng duy nhất trong 5 làng của xã Ia Mơr đạt danh hiệu làng văn hóa”.

Nữ Già làng đầu tiên của dân tộc Brâu

Nếu như làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có già làng Ksor H’Blâm cống hiến cả cuộc đời nơi biên giới, thì thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có già làng Y Pan, nữ già làng cũng đang góp công lớn vào việc bảo tồn dân tộc Brâu và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Theo cách mạng từ thời niên thiếu, Y Pan từ làm liên lạc, canh gác các cuộc họp đến gùi gạo, đưa công văn, thuốc men, hậu cần… Năm 1959, già Y Pan tập kết ra Bắc, học làm y tá rồi về phục vụ kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Sau đó già về làng cũ sống, tham gia các hội, tổ chức làm công tác xã hội ở địa phương. Năm 2014, già Y Pan được dân làng tin tưởng bầu làm nữ già làng đầu tiên của dân tộc Brâu.

Già làng Y Pan kể: Ngày tôi trở về làng Đăk Mế chỉ còn khoảng trăm người, đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, hôn nhân cận huyết thống, dân số suy giảm, đặc biệt là không một ai biết chữ. Quá lo lắng, bà đi từng nhà tuyên truyền, khuyên nhủ bà con sống thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục xấu, giữ vững an ninh biên giới, đoàn kết, hòa hợp các dân tộc và bảo tồn giá trị truyền thống.

Dân tộc Brâu có nhiều tập tục hà khắc như, phụ nữ sinh con phải một mình vào chòi trong rừng tự vượt cạn rất nguy hiểm. Già làng Y Pan đã vận động bà con bỏ tập tục này nhưng lúc đầu chả ai nghe, chỉ sau mấy lần già làng cứu được một số chị em thoát chết bà con mới thay đổi nhận thức.

Đặc biệt, bà còn đứng ra đề nghị các cấp, ngành mở lớp xóa mù chữ. Bà cùng Bộ đội Biên phòng đi vận động bà con học chữ, vừa phụ giảng vừa làm phiên dịch cho các giáo viên. Bà nói, biết chữ thì bà con mới hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy lùi các hủ tục và biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng.

Với tâm huyết và những việc mà bà Y Pan đã làm cho dân làng, cùng với sự vươn lên của bà con trong thôn, Đăk Mế hôm nay đã thay da đổi thịt. Dân số của làng đã tăng lên 655 người. Các gia đình đã biết trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, bời lời, cao su, làm lúa nước… Từ chỗ cả làng không biết chữ, đến nay, con em các gia đình trong làng đều được đến trường đầy đủ, có em đang theo học cao đẳng, học nghề ở các trường chuyên nghiệp…

Già làng Y Pan ngày càng được bà con tin tưởng, kính trọng, trở thành niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần, trung tâm đoàn kết, để cùng nhau xây dựng buôn làng giàu đẹp và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc./.

(baodantoc.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất