Thứ Năm, 23/1/2025
Thái Nguyên tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có trên 300 nghìn người, chiếm 27% dân số toàn tỉnh. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực của tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa khác để thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, như: Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống (Đề án 2037); chính sách đầu tư xây dựng lưới điện cho 76 xóm, bản của tỉnh chưa có điện lưới quốc gia; chính sách hỗ trợ muối I ốt cho người dân miền núi tỉnh Thái Nguyên; chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Thái Nguyên…

Bằng các chính sách, giải pháp hỗ trợ, kinh tế - xã hội vùng DTTS của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao. Đến nay, tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo vùng DTTS giảm nhanh. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của 124 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi giảm còn 9,16%, giảm 3,89% so với năm 2017. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,67% hộ dân vùng núi có điện lưới sinh hoạt; cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do; 100% số xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 92% số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa và bưu điện văn hóa; 100% xóm, bản có nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Công tác an ninh, quốc phòng, tôn giáo được quan tâm, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, các chương trình, chính sách cho vùng DTTS còn tản mạn, dàn trải, chưa đồng bộ, việc bố trí vốn ở một số chính sách đôi khi còn chưa kịp thời; kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi tuy đã có bước phát triển nhưng chưa toàn diện, đời sống vật chất đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tình hình an ninh trật tự vùng DTTS còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác một số vấn đề: Đề nghị Trung ương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý chính sách; cân đối, bố trí kịp thời nguồn lực thực hiện đề án, chính sách; tăng mức hỗ trợ vay vốn hộ nghèo đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tiếp tục thực hiện các chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng DTTS; có chính sách ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông vào làm việc trong hệ thống chính trị.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận kết quả và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và thực hiện các chính sách về dân tộc. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lưu ý cần phát huy những thế mạnh của vùng miền núi, dân tộc như phát triển lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch. Tiếp tục nâng tỷ lệ học sinh DTTS được học ở các trường dân tộc nội trú. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với từng đơn vị, địa phương./.

(thainguyen.gov.vn)


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác