Già làng Rơ Châm Tích ở làng Mook Đen 1, xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai) năm nay đã 73 tuổi nhưng dáng người chắc khỏe, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tích cực tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai tuần tra đường biên, cột mốc. Trong chuyến tuần tra cách đây hơn một tuần, đi đến đâu già Tích cũng chăm chú quan sát, ghi chép cụ thể tình hình thực trạng đường biên, cột mốc. Nếu gặp người dân làm rẫy, ông đến tận nơi khuyên bảo, vận động bà con làm ăn phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, không được xâm phạm đất đai, cây cối, tài nguyên của nước bạn Campuchia.

Đến làng Sơn ở xã Ia Nan (Đức Cơ), chúng tôi được già làng Siu Bình cho biết: “Làng Sơn có 15 hộ dân thường xuyên làm rẫy gần khu vực biên giới. Vì vậy, hằng tuần tôi thường xuyên qua lại để vận động bà con không xâm canh, xâm cư làm tổn hại đến đường biên, cột mốc”. Đặc biệt, một số hộ dân làng Sơn có người nhà ở làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Hai bên thường qua lại thăm thân nên già làng Siu Bình phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nan, BĐBP tỉnh Gia Lai tuyên truyền, vận động những hộ gia đình này chấp hành nghiêm pháp luật của hai nước khi thăm thân.    

Già làng và 'thế trận lòng dân' trên biên giới
Các già làng Tây Nguyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm
tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn.

Được biết, từ nhiều năm nay, làng Mook Đen 1 và làng Sơn là những điển hình trong Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” của tỉnh Gia Lai. Có thể nói, già làng Rơ Châm Tích và Siu Bình là hai trong số hàng nghìn già làng ở Tây Nguyên đang ngày đêm miệt mài tuyên truyền giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, dòng tộc, gia đình thực hiện hiệu quả phong trào tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới... Với vai trò là những người đi "truyền lửa", các già làng đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới.

Hiện nay, hầu hết đường biên, cột mốc ở khu vực Tây Nguyên đều có sự tham gia quản lý, bảo vệ hiệu quả của quần chúng nhân dân. Riêng tỉnh Kon Tum, năm 2018 có 50 tập thể, 190 hộ gia đình, 300 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 277,7/292,522km đường biên và 84 cột mốc. Tỉnh Đắc Nông cũng duy trì thường xuyên 6 tập thể, 27 tổ tự quản đường biên, cột mốc. Tỉnh Gia Lai thành lập 11 tổ tự quản đường biên, cột mốc; 1 tổ tàu thuyền tự quản khu vực biên giới, 52 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và trong đồng bào có đạo; 6.979 hộ ký cam kết xây dựng và duy trì hoạt động tự quản về an ninh trật tự, hòa giải, phòng chống vượt biên, xâm nhập, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đăng ký tự quản 11 cột mốc, 52/90km đường biên giới… trong đó, già làng là hạt nhân, linh hồn của các tổ tự quản, là đầu tàu gương mẫu cho cộng đồng noi theo.   

Động viên, khuyến khích già làng phát huy vai trò, uy tín

Trao đổi với già làng Y Bhiu Mlô ở thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang (Krông Búk, Đắc Lắc) chúng tôi được biết, từ năm 2009 đến nay, già đã tổ chức tuyên truyền vạch rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch cho hơn 8.242 lượt người dân; vận động 74 người từ bỏ tà đạo, yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều mà già làng Y Bhiu Mlô tâm đắc và nỗ lực phấn đấu chính là sự tin tưởng, tôn vinh của cộng đồng, để khi già làng nói-dân làng nghe, già làng hô-dân làng hưởng ứng, già làng làm-dân làng làm theo.    

Ở thôn Kep Ram, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), già làng A Nguyh được bà con xem như “người cha tinh thần”. Ông là “trọng tài” trong giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn gia đình; tuyên truyền, vận động 100% hộ dân không tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, súng tự chế; không tham gia các tệ nạn xã hội; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Mọi thanh niên trong thôn đều được già động viên đăng ký khám nghĩa vụ quân sự và khi trúng tuyển thì vui vẻ lên đường nhập ngũ.  

Già làng và 'thế trận lòng dân' trên biên giới
Già làng Rơ Châm Tích cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc.

Thực tiễn ở Tây Nguyên đã chứng minh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của già làng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Vấn đề là phải tạo ra cơ chế, mối liên hệ mật thiết giữa già làng với chính quyền cơ sở, giữa già làng với các lực lượng vũ trang. Đồng thời động viên, khuyến khích các già làng phát huy vai trò, uy tín của mình trong cộng đồng. Để thực hiện điều đó, trong 10 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho gần 3.800 lượt già làng; tổ chức các hội nghị gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng già làng có uy tín; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, ủy ban dân tộc, hội người cao tuổi các cấp làm chỗ dựa cho các già làng hoạt động. Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã biên giới Ia O (Ia Grai, Gia Lai) khẳng định: “Nếu phát huy được vai trò của già làng thì những vấn đề về an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản sẽ được giải quyết triệt để từ thôn, làng; tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân sẽ được tăng cường”.   

Bộ chỉ huy BĐBP và bộ CHQS các tỉnh cũng có các chương trình, kế hoạch phối hợp với các già làng. Trung tá Rơ Mah Tuân, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết: "Già làng ở Tây Nguyên được coi như trụ cột của cộng đồng và cũng là trụ cột trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Để phát huy vai trò của già làng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; quốc phòng, an ninh cho các già làng thông qua nhiều hình thức như: Mở lớp học, phát tờ rơi; cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng… đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách và hỗ trợ các già làng phát triển kinh tế gia đình để họ yên tâm cống hiến cho cộng đồng"./.

(qdnd.vn)