Thứ Sáu, 20/12/2024
Những đổi thay ở vùng đất “kết đôi”

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai
hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây chuối

Thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới

Chia sẻ với chúng tôi, anh Giàng Chúng, Trưởng thôn Cốc Phương cho biết: Người dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá phần lớn là dân tộc Mông. Bà con hai bên có quan hệ thân tộc lâu đời, có tiếng nói, phong tục tập quán, lao động, canh tác nhiều điểm tương đồng. Trước đây, khi chưa kết nghĩa, việc đi lại, thăm thân hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa hai bên gặp không ít khó khăn. Từ khi thực hiện kết nghĩa cụm dân cư biên giới vào tháng 8-2013, người dân hai bên luôn giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mông và coi công việc của thôn bạn cũng là công việc của thôn mình, của gia đình mình. Vào những ngày lễ, Tết, mỗi khi có người ốm, có đám ma, đám cưới..., nhân dân hai bên thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Theo ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, từ khi kết nghĩa đến nay, thôn Cốc Phương đã phát triển nhanh về kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 40 triệu đồng/năm. Cốc Phương trở thành một trong những thôn có thu nhập cao ở huyện Mường Khương. Nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những triệu phú, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ kinh tế phát triển nên không còn tình trạng bà con bỏ ruộng nương, người dân xuất cảnh lao động trái phép nữa.

Một trong những biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới đó là chiếc trống da bò được trạm khắc hình rồng, phượng khá đẹp mắt. Chiếc trống được coi như biểu tượng linh thiêng và không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông hai bên.

Anh Giàng Chúng cho biết: Năm 2016, đồng bào Mông ở thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đóng góp hơn 40 triệu đồng để làm chiếc trống này. Khi bên nào có người mất thì sử dụng trống để thực hiện nghi lễ theo phong tục của người Mông. Chúng tôi hy vọng sẽ lưu truyền nó từ đời này qua đời khác.

Sau khi kết nghĩa, bà con ở Cốc Phương được nhân dân tổ Tam Bình Bá hỗ trợ nhiều trong trồng trọt như: Trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật canh tác, cung cấp giống cây chuối, dứa, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhờ đó, kinh tế gia đình của nhân dân hai bên ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đã không còn, số hộ khá tăng lên.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi chuối, dứa xanh ngát, sai trĩu quả, anh Giàng Chúng phấn khởi cho biết: “Nhờ kết nghĩa nên phía bạn Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang bên bạn. Hai bên qua lại trao đổi nông sản với nhau. Nhân dân tổ Tam Bình Bá cũng giới thiệu cho người dân bên mình các thương lái thu mua nông sản với giá tốt. Từ đó, kinh tế của bà con trong thôn đã khấm khá hơn, nhiều gia đình đã xây được nhà mới khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi hiện đại phục vụ cuộc sống”.

Giúp vùng biên bình yên, khởi sắc

Từ sự phát triển của thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Lào Cai trong việc đưa cây chuối, dứa trở thành cây trồng chủ lực mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo, góp công lớn trong việc thay đổi diện mạo vùng biên. Diện tích trồng dứa, chuối ở đây lên hơn 1.200ha, mang lại nguồn thu nhập hơn 60 tỷ đồng cho bà con nông dân xã Bản Lầu. Theo thống kê của UBND xã Bản Lầu, tại 6 thôn giáp biên của xã, tỉ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 3%.

Bên cạnh việc giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, người dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các Hiệp định, Quy chế biên giới; không để xảy ra trộm cắp tài sản, vượt biên giới trái phép; luôn tôn trọng và bảo vệ đường biên, cột mốc, không làm hư hỏng cột mốc; phối hợp tổ chức phát quang đường biên, cột mốc biên giới; cùng nhau bảo vệ môi trường cảnh quan biên giới xanh, sạch đẹp; không còn hiện tượng chặt cây, đốt nương qua biên giới... Nếu xảy ra vụ việc, người dân hai bên cùng ngồi lại với nhau, để giải quyết thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa giữ được tình đoàn kết, hữu nghị.


 Ông Thào Hà, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Phương giới thiệu về chiếc trống nghĩa tình
mà thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá vẫn thường xuyên sử dụng

Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu khẳng định: Sau kết nghĩa, bên cạnh việc qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa với phía bạn có nhiều thuận lợi, thì việc quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới của BĐBP cũng trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt, có nhiều vụ việc như mất xe, mất trâu bò của nhân dân, vượt biên trái phép, buôn bán và vận chuyển chất ma túy, mua bán người, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân và các lực lượng chức năng phía bạn phá án thành công.

Điển hình như tháng 3-2016, sau khi người dân tổ Tam Bình Bá báo mất một chiếc xe máy, bà con hai bên đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Lầu tìm kiếm. 2 ngày sau, chiếc xe máy do kẻ xấu lấy cắp đã được tìm thấy ở thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu và trả về cho người bị mất. Một vụ việc khác vào tháng 9-2017, người dân thôn Cốc Phương báo có một cháu bé bị đuối nước ở suối Cốc Phương, lập tức hai bên đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Lầu tìm kiếm. 2 ngày sau, thi thể cháu bé đã được tìm thấy ở phía bờ suối bên Trung Quốc, đưa về an táng theo phong tục địa phương.

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy BĐBP Lào Cai đánh giá, qua gần 6 năm triển khai thực hiện, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới; tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên. Qua đó, bà con cùng với lực lượng bảo vệ biên giới hai bên bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng khu vực biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

(bienphong.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất