Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có 24 đơn vị hành chính, trong đó có 22 xã và 2 thị trấn. Toàn huyện có 25.100 hộ, với 111.357 khẩu; gồm 19 dân tộc cùng chung sống. Trong đó: Dân tộc Tày chiếm 35,8%; Dao chiếm 22,8%; Kinh chiếm 16,8%; dân tộc Mông chiếm 12,5%; Nùng chiếm 6%; còn lại là các dân tộc khác. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao miền núi; cùng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ đã được ban hành… Trong những năm qua, huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS một cách cụ thể và đạt được nhiều kết quả.
|
Phụ nữ dân tộc Dao, thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên, Hà Giang) học nghề may |
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BCH Đảng bộ huyện, sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang; sự giúp đỡ, hướng dẫn của Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành tỉnh; nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2014 - 2019). Trong đó, các mục tiêu chủ yếu, như: Giá trị tăng thêm theo giá thực tế bình quân ước đạt 24,2 triệu đồng/người/năm (mục tiêu trên 20 triệu đồng); lương thực bình quân đầu người đạt 511,8 kg (mục tiêu 500 kg); tỷ lệ trẻ từ 0-2 tuổi đến lớp đạt 34,7% (mục tiêu trên 30%); trẻ từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 97,3% (mục tiêu 97%); hàng năm huy động học sinh từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99% (mục tiêu 98,8%)…
Về thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi: Đối với Chương trình 135, huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa được 8 công trình; trong đó có 36 trường, lớp học; 14 công trình y tế; 2 công trình điện; 38 công trình thủy lợi; nâng cấp, sửa chữa 21 trụ sở thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng...; hỗ trợ 24 tỷ 231 triệu đồng cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất; nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã Minh Tân và Cao Bồ bằng việc hỗ trợ 16 con trâu, 16 con bò cho 32 hộ, với kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng. UBND huyện còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng thuộc Chương trình 135 cho các xã; thành phần đối tượng tập huấn là người có uy tín trong đồng bào DTTS, Trưởng, Phó thôn, Ban Phát triển thôn, Chi hội Phụ nữ và khuyến nông; Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách GTXD, địa chính, nông nghiệp và cán bộ, công chức xã làm công tác đầu thầu, nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng...
Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn từ năm 2014 - 2017 đã hỗ trợ cho 3.056 hộ, với kinh phí 5.033,1 triệu đồng, trong đó: Đất sản xuất 300 hộ, kinh phí 1.450,3 triệu đồng; nước sinh hoạt phân tán 2.756 hộ với 3.582,8 triệu đồng; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Bản Tấng, Cốc Héc, xã Trung Thành được giao bổ sung 500 triệu đồng; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại trung tâm xã Cao Bồ được bố trí kinh phí 900 triệu đồng...
Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Toàn huyện có 223 đại biểu do đồng bào các DTTS tự bầu chọn, đại diện cho 223 thôn, tổ dân phố. Người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở huyện Vị Xuyên đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển, ổn định của huyện nhà. Các vấn đề truyền đạo, học đạo, di dịch cư tự do trái với quy định của Nhà nước, tranh chấp đất đai, khiếu kiện đều được hòa giải và giải quyết ngay từ cơ sở; khối đại đoàn kết thôn xóm, dòng họ và cộng đồng các dân tộc trong toàn huyện luôn được củng cố. Ngoài ra, nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào các DTTS đều được huyện triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Mặc dù việc huy động các nguồn lực còn nhiều hạn chế, thời tiết khắc nhiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; nhận thức về khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để phát triển trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa được phát huy; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ… Nhưng với những cố gắng, nỗ lực; công tác dân tộc ở Vị Xuyên đã góp phần vào ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã và đang ngày càng được cải thiện; lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc; việc triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực và đem đến cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.../.
(baohagiang.vn)