Thứ Năm, 23/1/2025
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW và Chỉ thị số 45 – CT/TW làm việc tại Thanh Hóa
 
Toàn cảnh hội nghị.


Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên trên 8.500 km vuông (chiếm khoảng ¾ diện tích toàn tỉnh), dân số hơn 1,1 triệu người, có 7 dân tộc chủ yếu sinh sống trên địa bàn 11 huyện miền núi và 7 huyện giáp ranh với 225 xã, thị trấn, gồm 42 xã khu vực I, 83 xã khu vực II, 100 xã khu vực III, 867 thôn đặc biệt khó khăn. Vùng đồng bào dân tộc Mông hiện có 3.305 hộ, 17.254 người (chiếm 1,59% số đồng bào khu vực miền núi, biên giới) sinh sống ở 45 bản thuộc 10 xã của 3 huyện khu vực biên giới.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và các ngành của tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách liên quan của Trung ương. Để cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, chỉ thị phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển toàn diện nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như Nghị quyết số 05 về lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh các xã biên giới, Nghị quyết số 09-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, Kết luận 50-KL/TU về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn bản vùng sâu, vùng xa, Dự án ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát... Từ đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác dân tộc ngày càng được nâng lên.

Đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều thay đổi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm đạt trên 9%, năm 2018 đạt 13,1% . Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 7 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 13,1 triệu đồng so với giai đoạn 2001-2005 (giai đoạn 2001-2005 bình quân đạt 2,9 triệu đồng/người/năm; giai đoạn 2015-2017 bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm). Đã có 1/7 huyện (huyện Như Xuân) ra khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 17,4% xã đặc biệt khó khăn và 8,12% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định. Có 33 xã và 35 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Khu vực miền núi của Thanh Hóa có những đặc thù riêng so với các địa phương khác trong cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Trung ương, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, có bước tiến dài, phù hợp với xu thế chung của cả nước. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã sớm ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách tương đối toàn diện. Đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; giao trách nhiệm cho các ban, sở, ngành, đoàn thể, địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, đỡ đầu các huyện miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa cơ bản vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã được tăng cường đầu tư. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc; củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nhìn chung vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn là vùng còn nhiều khó khăn của cả tỉnh. Tốc độ tăng trưởng thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người giữa miền núi và miền xuôi còn có sự chênh lệch cao.

Đồng chí đề nghị: Cho đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, Trung ương cần sớm tổng kết các nghị quyết, chỉ thị này để có chủ trương mới, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt hơn, tập trung hơn; cần ban hành Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện..., bảo đảm kết nối vùng; thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực này. Bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách do Trung ương đã ban hành; có cơ chế đặc thù để thực hiện các chương trình, đề án chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ hơn những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW như vấn đề tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; tích hợp các chính sách để tăng định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; các chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc Mông; cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức đối với người dân tộc thiểu số...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW của Trung ương về công tác dân tộc thời gian qua. Quá trình thực hiện được triển khai bài bản, sáng tạo, huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển, góp phần tạo sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đến nay khu vực miền núi Thanh Hóa đã có bước phát triển khá toàn diện, thay đổi rõ rệt về hạ tầng kinh tế - xã hội. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao hơn. An ninh, quốc phòng được giữ vững, không có điểm nóng. Đặc biệt, hệ thống chính trị vùng dân tộc, miền núi đã được củng cố, 100% thôn bản đều có chi bộ, không còn thôn bản trắng đảng viên. Đội ngũ cán bộ cơ sở từng bước được chuẩn hóa. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, tỷ lệ hộ cận nghèo ở vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông còn cao; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra... Vì vậy, tỉnh cần làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục.

Đồng chí đề nghị thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của công tác dân tộc. Triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của người dân gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định cho người dân. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số…

Đồng chí ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa và cho biết qua công tác kiểm tra tại Thanh Hóa và các địa phương khác trong cả nước, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ bổ sung, hoàn thiện báo cáo để phục vụ cho tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, phục vụ nội dung chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2026 để trình Quốc hội trong thời gian tới.

(baothanhhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi