Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, hoạt động TGPL nói chung và TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều kết quả, góp phần cải thiện và thúc đẩy thụ hưởng các quyền con người và quyền công dân.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai đã TGPL cho 10.315 đối tượng/10.112 vụ việc, trong đó 9.450 đối tượng là người dân tộc thiểu số (chiếm 91,61%), chủ yếu thuộc lĩnh vực: Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; pháp luật dân sự, tố tụng dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình; pháp luật về hành chính khiếu nại; pháp luật đất đai; các lĩnh vực pháp luật khác... Điều đó cho thấy, công tác bảo đảm quyền được TGPL của người dân tộc thiểu số trong các vụ án đã được các cơ quan liên quan và những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán quan tâm, kể cả trường hợp không thuộc án chỉ định theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan tố tụng vẫn yêu cầu Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý tham gia TGPL cho đối tượng. Các vụ việc tư vấn đa số thuộc lĩnh vực pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, chế độ, chính sách... thực hiện trực tiếp tại trụ sở và thông qua tư vấn pháp luật lưu động.
Số người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều bị can, bị cáo không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông và thiếu hiểu biết về pháp luật nên dễ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như mua bán ma túy, vận chuyển thuê ma túy với số lượng lớn hoặc khi sang Trung Quốc làm thuê, bị dụ dỗ về Việt Nam tìm phụ nữ lừa đưa sang bán. Một số trường hợp phạm tội do nhất thời không kiềm chế được bản thân, uống rượu say gây ra hậu quả đau lòng cho phía bị hại và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Quá trình tham gia tố tụng để TGPL cho đối tượng, các trợ giúp viên của trung tâm đều tư vấn, giải thích quy định của pháp luật cho đối tượng hiểu và động viên về mặt tâm lý, đồng cảm, chia sẻ với người được TGPL, đồng thời tìm biện pháp để có hướng bào chữa tốt nhất cho họ.
|
Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trung tâm
|
Thực hiện Luật TGPL năm 2017, trong năm 2018, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức được 170 đợt truyền thông về địa bàn 169 thôn, bản đặc biệt khó khăn với hơn 7.650 lượt người tham dự. Qua các buổi truyền thông, đơn vị đã tuyên truyền và phổ biến tới người dân các quy định của Luật TGPL năm 2017; quy định có liên quan trong các lĩnh vực pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình… nhằm giúp người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trợ giúp pháp lý, vai trò, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý và biết địa chỉ liên hệ khi có vướng mắc về pháp luật.
Qua thực tế hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho thấy, để nâng cao hiệu quả, bảo đảm quyền được TGPL của đồng bào dân tộc thiểu số, cần mở rộng phạm vi người được trợ giúp pháp lý; đa dạng, đổi mới các hình thức, phương thức truyền thông để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về hoạt động TGPL; đổi mới công tác tuyên truyền thông qua các vụ việc cụ thể đã TGPL thành công, xảy ra nhiều trong địa bàn dân cư...
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành thành viên hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đối tượng khác biết về quyền được TGPL; tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý tại những chi nhánh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - nơi không có tổ chức hành nghề luật sư. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí đảm bảo cho các hoạt động TGPL nói chung, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho người trực tiếp tiếp cận với dân như già làng, trưởng bản, cán bộ tư pháp xã, đội ngũ giáo viên, công an thôn nhằm giúp họ nâng cao hiểu biết về trợ giúp pháp lý, từ đó giải thích cho người dân ngay tại cơ sở, đảm bảo người dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền của mình khi có vướng mắc pháp luật./.
(baolaocai.vn)