Thứ Tư, 24/4/2024
Hội thảo "Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam"

 Quang cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KH & CN Chu Ngọc Anh cùng gần 500 đại biểu của các bộ, ban, ngành Trung ương; 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng trong cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phiên toàn thể Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” diễn ra vào sáng 17/7 với nội dung tập trung 4 vấn đề chính: Giải pháp tăng cường kết nối nông thôn - đô thị; Tiếp cận tổng thể, tích hợp, dựa trên hệ sinh thái trong xây dựng nông thôn mới; Hệ giá trị bền vững cho phát triển nông thôn Việt Nam; Đổi mới hệ thống quản lý nhà nước cho xây dựng NTM: Thực trạng, định hướng và giải pháp.

Đây là diễn đàn quan trọng trong Kế hoạch tổng kết 10 năm xây dựng NTM, nhằm đi sâu đánh giá bản chất những chuyển biến ở nông thôn; nhận diện những yếu tố tác động; phân tích các vấn đề vướng mắc của NTM; đúc kết các bài học thành công, cách làm hay, sáng tạo; giúp dự báo bối cảnh tương lai, những cơ hội, thách thức và đặt ra những vấn đề trọng tâm chuẩn bị cho các chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn mới. 

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, quá trình triển khai chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cuộc sống của người dân nông thôn đã có những thay đổi đáng kể: Nông nghiệp có mức tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,1%/năm, bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 2,95%/năm, tỷ trọng GDP ngành Nông nghiệp trong cơ cấu GDP nền kinh tế giảm từ 18,38% năm 2011 xuống còn 14,57% năm 2018. Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm.

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đạt được những kết quả tích cực. KHCN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô và 60% diện tích mía đã sử dụng giống mới… Hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, tính đến năm 2018, Việt Nam đã có 39 liên hiệp HTX nông nghiệp, 13.400 HTX nông nghiệp và 35.500 trang trại, số hộ làm nông lâm thủy sản chiếm dưới 53,7%.

Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có khoảng 11.200 doanh nghiệp nông nghiệp. Đã hình thành 27.000 mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Thu nhập, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, giai đoạn 2008-2017, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,5 lần, từ 9,15 triệu đồng lên 32 triệu đồng. Giai đoạn 2012-2017, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng mạnh, từ mức 75,8 triệu đồng lên gần 130 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh, còn 5,35% vào năm 2018.

Trong vòng 10 -15 năm tới, quá trình chuyển đổi của nông nghiệp, nông thôn phải tránh được nguy cơ tụt hậu. Mục tiêu trong tương lai phải đảm bảo vai trò chủ thể thực sự của người dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực và cơ hội tham gia, hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước; cư dân nông thôn có thu nhập ổn định; ngành nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế;…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ: “Chúng tôi mong nông thôn Việt Nam sẽ phát triển hài hòa, văn minh nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, là những miền quê sáng, xanh, sạch, đẹp, thanh tao và đáng sống”.

* Trước đó, sáng ngày 16/7, các đại biểu đã đi tham quan thực địa: Mô hình nông thôn mới “sáng - xanh - sạch - đẹp” tại huyện Hải Hậu; mô hình công viên bãi rác tại huyện Xuân Trường và mô hình phát triển kinh tế, đời sống văn hóa nông thôn mới huyện Nam Trực.

Chiều cùng ngày đã diễn ra 4 hội thảo chuyên đề: (1) Chuyên đề phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới; (2) Chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; (3) Chuyên đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; (4) Chuyên đề về xây dựng và giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn./.

Hoàng Phong

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất