Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Chính phủ được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.
|
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm hỏi
nhân dân, học sinh dân tộc
xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng |
Tỉnh Cao Bằng có diện tích 6.700 km2, dân số trên 50 vạn người trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số. Cao Bằng từng là địa phương nhiều năm liền phải đối mặt với tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển, bế tắc trong các kế sách xóa đói giảm nghèo. Kéo theo đó, tình trạng thiếu thông tin, các khu vực dân cư bị chia cắt bởi địa hình đồi núi hiểm trở, hoang hóa đất đai vì thời tiết khắc nghiệt, tập tục lạc hậu chưa thể loại bỏ.
Cao Bằng có 156 xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách từ Chương trình 135. Tỷ lệ hộ nghèo của Cao Bằng hiện vẫn còn rất cao, thuộc nhóm các địa phương nghèo nhất cả nước. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, năm 2012 toàn tỉnh Cao Bằng có số hộ nghèo 33.545 hộ, hộ cận nghèo 7.022 hộ. Đến năm 2015, số hộ nghèo còn 19.494, hộ cận nghèo 11.181 hộ. Theo số liệu của UBND tỉnh Cao Bằng, hết năm 2018, toàn tỉnh còn 39.275 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,06% (chuẩn nghèo đa chiều). Trước đó, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Cao Bằng là 34,77%; năm 2016 là 42,53%.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng vào đầu năm 2019, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Bên cạnh các giải pháp trước mắt như đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập… tỉnh Cao Bằng cần quan tâm và có chiến lược lâu dài để giảm nghèo đa chiều cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, giúp bà con hiểu và thay đổi nhận thức, có ý thức vươn lên. |
Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các chương trình, chính sách dân tộc như Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 755, Quyết định 54, Quyết định 18 của Chính phủ đã hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn, đầu tư xây dựng đường bê tông, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, lớp học; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; hỗ trợ cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Khác với nhiều địa phương khác, với cách phát triển tập trung, ưu tiên từng vùng và sử dụng cạn kiệt các nguồn lực tập trung cho các rốn nghèo thì Cao Bằng chọn cách đi lên bằng phương án tổng lực tỏa rộng và đồng bộ. Điều này được thống nhất cao trong Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng, từ đó, xây dựng kế hoạch tỏa rộng nhiều ban, ngành, đoàn thể.
Sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 24-NQ/TW về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được đồng bào đón nhận và thực hiện hiệu quả, góp phần làm chuyển biến đáng kể tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mông đặc biệt trong lĩnh vực giảm nghèo. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 6%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông giảm từ 80% (năm 2007) xuống còn 48% (năm 2018)...
Đặc biệt, Cao Bằng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, vận động nhân dân ra định cư ở các xóm biên giới, rà phá vật cản, xây dựng các công trình trên biên giới và xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở tại các xã, thị trấn biên giới với tổng số vốn lên đến hơn 700 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 177 tỉ đồng. Năm 2019, dự kiến, kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vùng biên là 54,7 tỉ đồng.
Tỉnh Cao Bằng xác định bốn vấn đề cần quan tâm ở vùng dân tộc thiểu số, trong đó có hạ tầng thiết yếu và giao thông, điện nước sinh hoạt và đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng xác định tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tỉnh đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số,; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Minh Đạt