Bằng việc phát huy nội lực trong dân, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo nên diện mạo cho nông thôn mới, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay ở Phú Yên, từ đồng bằng đến miền núi những con đường bê tông nông thôn đã trải dài tôn lên vẻ đẹp miền quê. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Ban chỉ đạo Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên luôn xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó cũng là quyết tâm chính trị cao độ, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, từng con đường trong thôn, xóm được mở rộng, nâng cấp, đã thay đổi diện mạo làng quê và là nền tảng vững chắc giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
|
Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, thoáng đãng
là một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của Tây Hòa |
Thực hiện phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong những năm qua, nhân dân trong tỉnh Phú Yên đã đóng góp nhiều ngày công và kinh phí để từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật nhất có phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đơn cử như tại xã Xuân Quang 3, khi phát động làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà trúng giếng nước, đất ở, cây xanh, hàng rào đều tự nguyện tháo dỡ, hiến đất làm đường. Hay như ở xã An Hải người dân đã tháo hàng rào, người lấp giếng nước trước sân, bứng móng chuồng heo hiến đất làm đường cho bà con đi lại thuận lợi…Nhờ đó, nếu như trong giai đoạn từ năm 2010 về trước chỉ xây mới và nâng cấp 180km đường thì đến nay, thực hiện đề án bê tông hóa giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã bê tông hóa trên 1.600km đường, đã có 74/88 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng thêm 73 xã so với năm 2011. Cùng với đó, 3 đơn vị cấp huyện, gồm huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa có 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Những này này về Phú Hòa - huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dọc theo quốc lộ 25 từ xã Hòa An lên đến xã Hòa Hội, đường nông thôn mới “gối đầu” lên quốc lộ 25 xuyên qua cánh đồng chạy thẳng vô xóm. Đường bê tông tạo “nạng ná”, mở ra ngã ba, len lỏi đến từng nhà. Tại thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An), khi phong trào xây dựng nông thôn mới làm đường bê tông nông thôn, làng quê xuất hiện tên đường do người dân tự đặt, như: tuyến từ nhà bà Võ Thị Hiền đến nhà ông Nguyễn Văn Tính, hay tuyến từ ngã ba sân kho cũ đến giáp đường nội đồng… Không những thế, dọc hai bên đường bê tông là những luống hoa, hàng cau được người dân trồng mới, nhiều người ở xa đến rất thích thú trước cảnh quan đẹp của làng quê. Đồng chí Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Hòa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và với quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay chương trình nông thôn mới đã ăn sâu, lan rộng trong đời sống nhân dân. Cùng với kết quả 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND huyện phấn đấu hoàn thành từng tiêu chí đạt huyện nông thôn mới trong năm nay.
Cũng như Phú Hòa, huyện Tây Hòa - địa phương đầu tiên trong tỉnh đạt huyện nông thôn mới, đường bê tông nông thôn được xây dựng đã trải dài, qua các tuyến đường liên xã, từ Hòa Tân Tây lên Hòa Đồng đến Hòa Mỹ Đông rồi lên Hòa Mỹ Tây. Ông Phan Văn Tấn, một người dân ở xã Hòa Mỹ Tây, nhớ lại: Trước đây khi chưa có phong trào làm đường nông thôn mới, mùa mưa đi đường nào cũng gặp sình lầy. Giờ đường ruộng thay thế đường bê tông chạy dài trên cánh đồng. Có đường bê tông thấy xóm nhà sang hơn, làng quê thêm khởi sắc.
Hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã có 49/88 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia (đạt 55,6% tổng số xã); trong đó có 47/88 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 53,4% tổng số xã toàn tỉnh), không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Cùng với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2019, toàn tỉnh 53 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 60%, bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã.
Từ câu chuyện thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở Phú Yên, Có thể thấy, bằng việc phát huy nội lực trong dân, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Diện mạo các vùng nông thôn đã thay đổi vượt bậc, những tuyến đường bê tông đã góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước./.
Nam Tiến