Thứ Bảy, 20/4/2024
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn mới
Ảnh minh họa.

Lợi ích và chủ thể đích thực

Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”.1

Đúng như vậy, mong muốn, ước mơ của nhân dân ta, trong đó có người nông dân bao đời muốn được làm chủ, có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Ngày nay, xây dựng NTM, HTX kiểu mới như một công cụ hữu hiệu để người nông dân thực hiện ước mơ đó.

Người nông dân trong HTX thời bao cấp, chủ thể kinh tế tập thể mà thực tế là ban chủ nhiệm đóng vai trò quyết định, còn người nông dân tập thể phụ thuộc, đứng “ngoài lề”. Thời đó, người dân đã có ca dao phản biện đúng như: “Mỗi người làm việc bằng ba / Để cho chủ nhiệm xây nhà mua xe”; “Con kiến mà leo cành đa / leo phải cành cụt, leo ra leo vào”. Do đó, động lực để phát triển sản xuất nông nghiệp không còn, người nông dân không còn mặn mà với HTX, dẫn đến “dong công, phóng điểm”, “chân trong chân ngoài hoặc chân ngoài dài hơn chân trong”, lâm bệnh trầm kha “Vật tư thiếu thốn, tiền vốn khó khăn, làm ăn thua lỗ”…

Sự nghiệp đổi mới, thời kỳ cải cách cơ chế quản lý HTX nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh tế hộ gia đình đã làm nên “kỳ tích” trong khoán 10. Nhưng những cải cách đó đã tạo ra chưa đủ mạnh để thúc đẩy nông nghiệp phát triển và thực hiện được quyền làm chủ tập thể của người nông dân, với nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự chủ và tự quản của kinh tế hộ. Đây là lúc nền kinh tế, trước hết là nền nông nghiệp cần xung lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Cùng với việc thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa, chuyển đổi mô hình HTX cũ sang mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX năm 2012. Một trong những thay đổi lớn nhất của mô hình HTX kiểu mới là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý của HTX, xác định đầy đủ hơn vai trò chủ thể đích thực của người nông dân, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nông nghiệp, nông thôn. Từ các tên gọi “Ban chủ nhiệm HTX” hay “Chủ nhiệm HTX” được thay bằng các tên gọi khác như: Hội đồng quản trị, chủ tịch hay giám đốc HTX. Sự thay đổi cho thấy HTX giờ đây hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng có khác là lợi ích các thành viên HTX và mọi quyết định đều phải có sự thông qua của tất cả các thành viên. Sự liên kết bền chặt của các thành viên quyết định trực tiếp tới sự phát triển của từng HTX. Từ chỗ tập thể là đơn vị kinh tế tự chủ chuyển sang hộ xã viên tự chủ kinh tế, đây là một sự thay đổi về chất lượng trong cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở HTX. HTX kiểu mới chủ yếu là tổ chức thực thi có hiệu quả các dịch vụ đầu vào và đầu ra để cung cấp cho nông dân vật tư kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất mùa vụ, khuyến cáo với nông dân những điều cần làm và cần tránh để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, hợp đồng kinh tế, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. HTX kiểu mới không triệt tiêu kinh tế hộ gia đình, mà là tạo ra một môi trường mới để hộ nông dân tham gia là thành viên HTX, chủ thể phát huy mọi năng lực, tiếp cận với vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường và “bốn nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước).

Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 01/2016), Đảng ta tiếp tục xác định và làm sâu sắc thêm về vai trò tự chủ, phát huy quyền làm chủ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của nông dân, phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế HTX; đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích hài hòa, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường; xác định kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Chính sự đổi mới toàn diện, thay đổi sâu sắc và mạnh mẽ đó đã làm cho nền kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đạt được nhiều kết quả, diện mạo khởi sắc góp phần vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới và vai trò chủ thể đích thực, làm chủ của giai cấp nông dân ngày càng được phát huy.

Cùng với diện mạo mới khang trang, hiện đại cho nông thôn, những năm qua các cấp, các ngành và các địa phương xác định việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, đã chú trọng khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể đích thực của nông dân, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và các thành phần xã hội khác.

Nhờ đó, phong trào và chất lượng HTX nông nghiệp, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ngày càng phát triển theo hướng tích cực, chiều sâu và hiệu quả; được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, trực tiếp là người nông dân với vai trò chủ thể đã hưởng ứng, tự nguyện, tích cực tham gia, khiến diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Vừa qua, Trung ương tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cho biết tính đến nay trên cả nước có 101.405 tổ hợp tác, 22.861 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân mỗi HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003, lãi bình quân của mỗi HTX tăng từ 7,4 triệu đồng năm 2003 lên 240,5 triệu đồng năm 2018, thu nhập bình quân mỗi năm của lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 15,7 triệu đồng năm 2003 lên 36,6 triệu đồng năm 2018. Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến hết tháng 9 năm 2019 cả nước có 4.665 xã đạt 52,4% tổng số xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí, 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã) được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện cả nước có 7 Tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Tại Việt Nam chưa khi nào kinh tế tập thể (KTTT) và HTX kiểu mới được nhìn nhận, coi trọng và phát triển thuận lợi như hiện nay.Từ tỷ lệ10% tổng số HTX hoạt động hiệu quả năm 2012, tới nay đã có trên 30% số HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước 3,81% so với năm 2017.

Qua đó, cho thấy, việc xây dựng HTX kiểu mới, xây dựng NTM, các phong trào thi đua yêu nước trong nông nghiệp, người nông dân bước đầu đã nhận thức được vai trò làm chủ, vai trò chủ thể của mình và tích cực tham gia vào công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thích hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp trong xây dựng NTM. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo thống kê các địa phương trong cả nước, nông dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn hecta đất, hàng triệu ngày công, hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM.

Kết quả bước đầu giải phóng được sức lao động, giải phóng người nông dân ra khỏi “vòng kim cô”đói nghèo, tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng vật nuôi, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Quy mô ruộng đất được liền vùng, liền khoảnh hơn, giảm dần manh mún, tích tụ ruộng đất nhiều hơn, hình thành nhiều vùng chuyên canh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, cánh đồng lớn ra đời; hiệu quả sử dụng đất, đưa cơ giới vào sản xuất ngày càng tăng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung các khâu làm đất, tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng đạt 80% đến 90%. Các khâu khác như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế là 40% đến 50%. Còn lại các cây trồng cạn, cây công nghiệp khác tỷ lệ ứng dụng cơ giới còn rất thấp.


Thách thức và nghịch lý

Sau hơn 30 năm đổi mới, vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, song đang đối diện với những thách thức, nghịch lý, nếu không có định hướng, nhận thức đầy đủ sẽ có nguy cơ đẩy nông dân vào vị thế bất lợi, đánh mất vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng HTX kiểu mới, xây dựng NTM. Có thể nhận diện những thách thức, nghịch lý sau đây:

1. Nhận thức về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân, người nông dân chưa sâu sắc, toàn diện. Đây là vấn đề cản trở lớn cho tư duy hành động, trong việc phát huy quyền làm chủ của người nông dân trong xây dựng NTM, HTX kiểu mới.

2. Mâu thuẫn giữa tình trạng sản xuất nhỏ và xu hướng sản xuất lớn nông nghiệp. Đó là, chưa làm rõ khái niệm sản xuất lớn nông nghiệp (gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất) và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (chỉ hàm lực lượng sản xuất), ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ của các hộ tiểu nông với yêu cầu tích tụ, tập trung ruộng đất, vốn, khoa học công nghệ... trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, kinh tế thị trường phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

3. Mặt tích cực của CNH, HĐH, đô thị hóa, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp, nông thôn sẽ thúc đẩy phát huy vai trò chủ thể của nông dân, áp lực tích cực đòi hỏi người dân không ngừng vận động sáng tạo, vươn lên. Nhưng CNH, HĐH cũng đang xuất hiện không ít nghịch lý dẫn đến thực tế còn thiên về khai thác nguồn lực có sẵn theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, hơn việc bồi đắp, tái tạo; đẩy nguồn lực tự nhiên đã cạn kiệt lại càng cạn kiệt hơn; sinh lực của người nông dân càng hao tổn. Không ít trường hợp người nông dân đứng “ngoài lề” vì một số dự án CNH, HĐH, đô thị hóa, khu công nghiệp, khu kinh tế...,“bị treo”,thực hiện sai lệch, bị mất đất do bọn tham nhũng, đầu cơ, trục lợi chiếm đoạt, người nông dân không còn chủ quyền kinh tế trên mãnh đất ngàn đời của họ. Địa vị và vai trò chủ thể của người nông dân đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa.

4. Đảng, Nhà nước đã nỗ lực đưa ra những thiết chế nhằm thực thi quyền làm chủ, vai trò chủ thể của nông dân. Nhưng trên thực tế, “do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân”.3 Tình trạng trên đã tạo nên những “khe hở” trong quản lý đất đai, đầu tư, vốn, quản lý nhà nước, phân công phân cấp, dễ bề thao túng cho tham nhũng, đầu cơ trục lợi chiếm đoạt nguồn lực của nhân dân, nhất là đất đai. Vì mất vị thế chủ thể của mình, nhiều nơi nông dân sản xuất cầm chừng để giữ đất hoặc cho thuê mướn, chuyển nhượng một cách không chính thức.

5. Nghịch lý trong lúc vai trò chủ thể của nông dân bị hạn chế thì áp lực lớn đến từ cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng thông tin sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên toàn thế giới).

Hiện nay, công nghiệp đã thay thế lao động thủ công trong nhiều ngành, tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng các vấn đề bất bình đẳng xã hội, người dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán không đủ sức chống đỡ, hấp thụ, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, vốn tính dụng, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề.

6. Xây dựng HTX kiểu mới, xây dựng NTM đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là phát huy vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người của nông dân, những truyền thống tốt đẹp có xu hướng mai một, những hủ tục lạc hậu ở nông thôn tái sinh nhiều hình thức khác nhau.

Những vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng HTX kiểu mới, xây dựng NTM, cần làm rõ một số vấn đề cốt lõi để tháo gỡ sau:

Thứ nhất là, trong môi trường, điều kiện chính trị, điều kiện xã hội, điều kiện phát triển của nền nông nghiệp, nông thôn hiện nay thì phát huy quyền làm chủ, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân được hiểu như thế nào và bằng phương thức nào? Kiến tạo môi trường mới thế nào để người nông dân phát huy và đặt họ vào vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ hai là, cần có giải pháp thiết thực, hữu hiệu để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những rào cản để người nông dân thực sự phát huy dân chủ, vai trò chủ thể “dân biết, dần bàn, dân làm, dân kiểm tra”, dân giám sát, dân thụ hưởng, những vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống vật chất, tinh thần của dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM mà xu hướng tất yếu là rút ngắn khoảng cách giữa lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao được áp dụng càng rộng rãi vào các khâu lao động, cải tạo môi trường sinh trưởng của cây trồng vật nuôi, sản xuất chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Thứ ba là, kịp thời nhận diện, phân tích đánh giá, tổng kết các mô hình thực tiễn phát triển tốt nhờ vào vai trò quan trọng, phát huy chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như: Mô hình liên kết “4 nhà”, trang trại thông minh, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, môi trường sạch, văn hóa cộng đồng…

Thứ tư là, vai trò của các đối tác tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, khi nông dân thật sự đóng vai trò chủ thể, nhất là vai trò của doanh nghiệp, các nhà khoa học. Cơ chế, phương thức, mô hình nàođể DN, nhà khoa học tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn mà không dẫn tới hoán đổi địa vị giữa các chủ thể và đối tác, không đánh mất quyền làm chủ, vai trò chủ thể của người nông dân.

Thứ năm là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị được đặt ra yêu cầu ngày càng cao, thực chất hơn.Trong đó có Hội nông dân Việt Nam, các liên minh HTX, đoàn thể, hội nghề nghiệp. Trong qua trình phát huy vai trò chủ thể của người nông dân thì hướng đi vào để thu hút, đoàn kết, tập hợp nông dân phát huy đầy đủ vai trò chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM.

Thứ sáu là, cần có những giải pháp xây dựng cơ sở vững chắc và việc giữ vững và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM. Trong đó, xác định rõ vai trò của cả hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) và những nỗ lực tự thân của giai cấp nông dân, cần có tổng kết lý luận gắn với thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình “người nông dân mới”, tập trung các tiêu chí: nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, kỹ năng mới, quyết tâm mới, đời sống cao hơn, làm chủ cao hơn.

Thứ bảy là, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách sản xuất nông nghiệp, đề xuất cơ chế, chính sách mới nhằm hoàn thiện, tạo đột phá mạnh mẽ, cuốn hút, tác động và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xây dựng HTX kiểu mới.

Hồ Ngọc Hy

 

Chú thích:

1. Văn kiện Hội nghị lần thứ 7. BCH Trung ương khóa X, NXB, HN 2008, trang 124.

2. “Hiệu quả kinh tế từ mô hình trang trại xanh” (Báo Nhân dân, ngày 11/01/2016).

3. “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” (Báo cáo tổng quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư - Nhóm Ngân hàng thế giới).

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất