Chủ Nhật, 17/11/2024
Để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

 Sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân các địa phương trong tỉnh

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, công tác tuyên truyền đã được tỉnh coi là nhiệm vụ hàng đầu được ưu tiên trong chỉ đạo để phát huy sức mạnh trong dân. Lãnh đạo tỉnh xác định: Nông dân và cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn là chủ thể triển khai và trực tiếp thụ hưởng chương trình xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy công tác tuyên truyền phải đi trước 1 bước, phải làm cho mọi người dân khu vực nông thôn hiểu được lợi ích, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới.

Thấm nhuần chủ trương trên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, người nông dân trên địa bàn đều nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới; coi xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình, gia đình mình, mình làm cho mình; bản thân, gia đình mình trực tiếp hưởng lợi, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chủ động tham gia thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân tự giác đầu tư công sức, tiền của cải tạo nơi ăn chốn ở của mình; đầu tư sản xuất tăng thu ở đồng ruộng; tham gia đóng góp tiền, công vào xây dựng nông thôn mới... Nhiều địa phương tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngay từ khâu lập quy hoạch, đề án thông qua việc tổ chức các buổi lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án, kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới với đông đảo nhân dân thảo luận sôi nổi những vấn đề liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình. Hầu hết người dân đều nhận thức phải gắn lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể.

Sau 5 năm tích cực thực hiện chương trình Nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã có 79 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới (trong đó có 17 xã đạt chuẩn), 05 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (trong đó có 01 huyện đạt chuẩn). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao hơn so với mức bình quân cả nước (đạt 13,6% số xã so với 9,36% số xã của cả nước) và không có xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí đạt trên một xã của Quảng Ninh cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (đạt 15,17 tiêu chí/xã và 33,74 chỉ tiêu/xã, so với với mức bình quân chung cả nước là 10 tiêu chí/xã). Nhiều  tiêu chí có mức độ đạt chuẩn cao hơn so với mức bình quân chung toàn quốc. Quảng Ninh được Trung ương đánh giá, ghi nhận là tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cũng là tỉnh thứ ba trong cả nước có huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với những kinh nghiệm thực tiễn thu được, đối với tỉnh Quảng Ninh, các tiêu chí không phải là mục tiêu hàng đầu. Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một trong những quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của tỉnh, mục tiêu cao nhất lãnh đạo tỉnh hướng tới là nông thôn Quảng Ninh phát triển bền vững, nông dân Quảng Ninh thực sự được hưởng những thành quả mà nông thôn mới đem lại. Do đó, những kết quả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh trân trọng nhất trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chính là: “Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Tạo được không khí xây dựng nông thôn mới trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét; đời sống nhân dân được cải thiện; văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân: Từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, sang tự chủ thực hiện” (Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016 – 2020).

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về “xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã thể hiện nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Công tác chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, toàn diện và sáng tạo, tạo được phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới sâu rộng, quá trình tổ chức thực hiện đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo tinh thần sự nghiệp cách mạng thuộc về quần chúng nhân dân. Khắc phục phần lớn những hạn chế, yếu kém của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Quảng Ninh trước khi thực hiện Nghị quyết”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý một số nhiệm vụ cần được tiếp tục quan tâm thực hiện, đó là: đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; gắn xây dựng nông thôn mới với mục tiêu của tỉnh dịch vụ công nghiệp; liên kết phát triển các khu công nghiệp, đô thị với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; ưu tiên phát triển sản xuất, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã phường một sản phẩm; luôn xác định nông dân là chủ thể của chương trình...

Luôn xác định nông dân là chủ thể, bằng những chương trình cụ thể, Quảng Ninh đã hỗ trợ, cổ vũ người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Chương trình liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà Khoa học - Nhà nước) được coi là “chìa khoá” để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo lực đẩy để đưa lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiến nhanh hơn, vững chắc hơn. Liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp có mối quan hệ rất mật thiết, thúc đẩy và chi phối nhau. Sự gắn bó của các “nhà” này càng tốt, càng chuyên nghiệp thì càng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuyên môn hoá cao, tạo giá trị hàng hoá nông sản cao hơn. Quảng Ninh đã chủ động ban hành một số cơ chế chính sách riêng tạo hành lang pháp lý phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, thúc đẩy liên kết mạnh mẽ “4 nhà” trong nông nghiệp như: Quy định quản lý, sử dụng vốn đầu tư thuộc lĩnh vực KH&CN; hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh… Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong 5 năm qua, tỉnh đã dành khoảng 550 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Xác định nông dân là chủ thể, song cũng luôn đồng hành cùng người dân trong tất cả các khâu, từ nghiên cứu giống đến xây dựng các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đây chính là cách tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để tạo động cơ, động lực thực hiện cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân với vai trò toàn xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới./.

Hà Thu

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất