Sau hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã thu nhiều “trái ngọt” quan trọng. Giờ đây, chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu cao hơn là phát huy lợi thế sẵn có để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công mục tiêu này.
Mỗi địa phương một cách làm
Được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013, đến nay, Chương trình OCOP đã mở rộng, phát triển trên phạm vi cả nước với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Tại Vĩnh Phúc, tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp nhằm khai thác tốt các tiềm năng lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Thanh long ruột đỏ của Lập Thạch được chọn là 1 trong 13 sản phẩm chủ lực tham gia thí điểm chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 |
Là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, Vĩnh Tường có 2 sản phẩm rau an toàn, rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn được chọn tham gia thí điểm chương trình OCOP.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương đã sớm nhìn ra những tồn tại, hạn chế khiến sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Vì vậy, ngay trong những ngày đầu bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về quan điểm, mục tiêu, chu trình, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Trước mắt, ngoài 2 sản phẩm đặc trưng đã được tỉnh chọn làm thí điểm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá và lựa chọn thêm một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh hoặc mang tính đặc trưng của các xã, thị trấn để tham mưu huyện tiếp tục nhân rộng. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu... tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình "mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn.
Thực hiện thí điểm chương trình OCOP, huyện Tam Dương có 5 sản phẩm được tỉnh chọn tham gia gồm: Rau an toàn, dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà và thịt gà an toàn. Phát huy lợi thế có nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng đã được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, ngay sau khi UBND tỉnh triển khai Kế hoạch 10416 về thực hiện thí điểm Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Tam Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch, trọng tâm là khuyến khích các xã đăng ký, xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại sản phẩm… Với cách làm này, hiện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên đóng trên địa bàn thị trấn Hợp Hòa đã đăng ký các sản phẩm rau, quả VietGAP của đơn vị để xây dựng thương hiệu và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo chương trình OCOP.
Với nhiều nông đặc sản như: Su su, hoa quả, gia súc, gia cầm chất lượng cao và các loài dược liệu quý, Tam Đảo được kỳ vọng là một trong những địa phương sẽ triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Theo đó, từ nay đến năm 2020, huyện Tam Đảo đã quyết định dành nguồn kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng để hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập mới các hợp tác xã; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý chương trình, cán bộ kinh doanh, kế toán, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng, triển khai Chương trình OCOP ở địa phương gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, ngoài phát triển và tiêu chuẩn hóa 4 sản phẩm được tỉnh chọn tham gia thí điểm chương trình OCOP là su su, trà hoa vàng, ba kích, thịt gà an toàn sẽ có thêm 4 sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện có của địa phương là trứng gà an toàn, thịt lợn an toàn, na dai và các sản phẩm từ sữa bò đạt từ 3 sao trở lên.
Thực tế, thông qua hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hoá, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn được tỉnh triển khai thời gian qua đã giúp nông sản Vĩnh Phúc thu được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có trên 70 nhãn hiệu hàng hóa nông sản đã được cấp quyền bảo hộ, trong đó, các sản phẩm nông sản đặc trưng nổi tiếng như: Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch, trà hoa vàng, rau su su Tam Đảo, chuối tiêu hồng Yên Lạc…đã xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn với bình quân thu nhập hết năm 2018 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh triển khai thực hiện thành công chương trình OCOP.
Cần chiến lược phát triển hợp lý
Bên cạnh kết quả đạt được, phải thừa nhận, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Chất lượng, mẫu mã đa phần các sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu, chưa tạo được sức hút với khách hàng; sức cạnh tranh các sản phẩm làng nghề vẫn yếu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu vẫn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, trong nước, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu và liên tục trong tình trạng “được mùa rớt giá”. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, thiếu sự liên kết giữa các “nhà” với nông dân, thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực. cùng đó công tác xúc tiến thương mại và định hướng phát triển sản phẩm lợi thế ở nhiều địa phương vẫn còn bỏ ngỏ khiến tỉnh chưa thể có một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thực sự xứng tầm…
Thời gian gần đây, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu, nhân rộng sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 – 2020, UBND tỉnh đã lựa chọn 13 sản phẩm chủ lực tham gia thí điểm chương trình OCOP, chia thành 2 nhóm là sản phẩm thực phẩm và sản phẩm thảo dược, trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm bao gồm: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch; rau su su Tam Đảo; chuối tiêu hồng Yên Lạc; rau an toàn Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên; dưa chuột an toàn Tam Dương, gạo Long Trì, Tam Dương; trứng gà an toàn Tam Dương, thịt gà an toàn Tam Dương, Tam Đảo; thịt lợn thảo dược, thịt lợn an toàn Phúc Yên; rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn; nhóm sản phẩm thảo dược là trà hoa vàng và ba kích Tam Đảo. Phấn đấu đến hết năm 2020, các sản phẩm tham gia chương trình đạt từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, kết quả thống kê, rà soát sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP cho thấy nhiều sản phẩm trong nhóm nông sản còn đại trà, chưa mang nét đặc trưng của địa phương; thị trường tiêu thụ của phần lớn sản phẩm ở phạm vi hẹp, quy mô sản xuất còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Để giải bài toán này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang sát cánh cùng các ngành liên quan, các cấp chính quyền trong tỉnh xây dựng lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chương trình được triển khai hiệu quả, sẽ tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, sẽ quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới đó là: Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân là chủ thể sáng tạo để có những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài.
Hoàng Phúc