Thứ Năm, 19/12/2024
Sức dân xây dựng nông thôn mới ở TP Hồ Chí Minh
 
Học sinh Trường Mầm non Phước Hiệp (huyện Củ Chi) trong ngôi trường mới được
 nâng cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1


Nếu không có sự tự nguyện đóng góp quan trọng của người dân, bộ mặt nông thôn TP Hồ Chí Minh có lẽ khó có được kết quả rõ nét như ngày nay. 

“Biết là đất quý, nhưng mình vì cái chung” 

Ngồi trong căn nhà mát rượi nhìn ra con hẻm bê tông sạch sẽ trước nhà, ông Nhữ Ngọc Ẩn (ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) vẫn thấy chưa hài lòng, dù con hẻm đã rộng và đẹp lên rất nhiều so với trước. Ông kể, ngày đó hẻm nhỏ, xấu, cán bộ đi vận động dân hiến đất để mở rộng hẻm. Ông hiến ngay gần 100m2 đất ở. Thời điểm đó là năm 2016, không những bản thân hiến đất, ông còn vận động các hộ khác trong hẻm cũng hiến đất, tổng cộng hàng trăm mét vuông. Hỏi ông, “tấc đất tấc vàng” có tiếc không? Ông cười nhẹ tênh: “Trời đất ơi tiếc gì, tui còn đang trông mau mau mở hẻm rộng ra thành 6m như quy hoạch đây. Nhà nước có chủ trương, tui sẵn sàng ủng hộ nữa”.

 Tiếng là vùng nông thôn, nhưng nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh, như huyện Nhà Bè quê ông, nằm cạnh các khu đô thị mới Nam Sài Gòn, với tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi mét vuông đất có giá thị trường tới hàng chục triệu đồng, nên việc vận động không phải dễ. Nhưng ông gương mẫu đi trước, rồi rủ rỉ: “Bà con ơi, hẻm mình có hơn mét chút éc, nói dại chứ lỡ đâu bệnh hoạn, hỏa hoạn, xe không vô được. Hẻm lớn rồi nhà đất cũng tăng giá lên”. Vậy là bà con đồng ý hết. Đó cũng không phải lần đầu ông hiến đất mở đường. Cộng cả 2 lần trước đó, diện tích mà ông đã hiến cũng trên 1.000m2. “Biết là đất quý, nhưng mình vì sự phát triển chung”, ông Ẩn nói. 

Cả thành phố chung tay

Thực hiện phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, TP Hồ Chí Minh đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân 5 huyện, 56 xã xây dựng nông thôn mới chung tay góp sức, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2.800 tỷ đồng. Trong đó, đã huy động được 26.052 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích hơn 2,9 triệu m2, ước kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng; huy động các đơn vị được phân công hỗ trợ chung sức xây dựng nông thôn mới với kinh phí 187,280 tỷ đồng; huy động các đơn vị ngoài phân công hỗ trợ hơn 370,644 tỷ đồng.


Ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, ngày nay xe tải lớn đã vào được tận vườn của người dân để thu mua trái cây. Nhiều người vẫn còn nhớ mới năm nào, trái cây đưa từ vườn ra đường lớn chỉ có cách chở ra bằng xe máy, vừa tốn công bốc xếp vừa hư hao. Rồi một con đường bê tông nông thôn đã hình thành từ tinh thần tự nguyện của những hộ dân như ông Nguyễn Thành Út (ở ấp Đồng Hòa). Ông Út hiến hơn 1.000m² đất, rồi tuyên truyền, vận động bà con lối xóm hưởng ứng, cùng hiến đất, cùng bàn bạc, xắn tay vô xây dựng các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Ở ấp Rạch Lá (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), ông Nguyễn Văn Hải đã hiến 4.000m² đất làm đường giao thông - đê bao ấp Rạch Lá, giá trị khoảng 2,4 tỷ đồng. 

Theo UBND xã An Thới Đông, trên địa bàn xã có nhiều khu dân cư trong đồng ruộng, chỉ có một con đường độc đạo, điển hình như ấp Rạch Lá cách đường chính gần 7km. Sau khi mở đường, khu dân cư có thể thông thương hàng hóa với bên ngoài. Các sản phẩm nông nghiệp cũng được vận chuyển thuận tiện, mua bán dễ dàng, tăng thu nhập cho người dân. 

Trước đây, từ Rừng Sác muốn vào đến xã Lý Nhơn phải băng qua con đường đầy bùn đất, bụi mịt mù. Chương trình nông thôn mới với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm đã kéo một con đường bê tông hơn 20km đến trung tâm xã. Nhờ giao thông thuận lợi, lại được đầu tư thêm về hạ tầng điện nước, thủy lợi, Lý Nhơn đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ nơi khác về. Ông Nguyễn Trọng Thuấn, một nhà đầu tư, đã xây dựng ở nơi đây hệ thống nuôi tôm rộng gần 3ha, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. 

Những công trình chung sức, đồng lòng

Nổi bật ở vùng nông thôn xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn là một công trình 1 trệt 3 lầu: Trường Tiểu học Võ Văn Thặng. Trường có 35 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 130 tỷ đồng, đưa vào sử dụng trong năm học 2015-2016 cho trên 1.400 học sinh của xã. Đây là ngôi trường tiểu học hiện đại bậc nhất của huyện Hóc Môn. 

Để có được ngôi trường khang trang, hiện đại này, có biết bao người dân tại ấp 4 đã sẵn sàng hiến đất, vật tư cho huyện Hóc Môn xây trường. Ông Phạm Văn Tới, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp 4 (xã Nhị Bình) tự hào nói: “Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Võ Văn Thặng, khách bộ hành khi qua đây đều dừng lại chụp hình làm kỷ niệm. Họ nói: Trường thật đẹp, chúng tôi cũng ước mong sao quê mình có được ngôi trường như thế này…”. 

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Bình, nói thêm: đích thân đồng chí Phạm Văn Tới phải tìm tới những hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa để động viên, thuyết phục nhưng đâu phải ngày một ngày hai là được. Có 3 hộ dân với diện tích đất bị giải tỏa gần 10.000m² nhất quyết không chấp nhận mức giá đền bù của Nhà nước, mà yêu cầu phải là giá thị trường. Đảng ủy, UBND xã kết hợp cùng đồng chí Tới tìm đến tận gia đình (người ở quận 3, người ở quận Tân Bình) kiên trì thuyết phục. Sau hàng chục lần đi về, 3 hộ dân cũng chấp nhận. Đồng chí Nguyễn Thành Long đúc kết: “Con lộ, mái trường, tường nhà là minh chứng của sự đổi thay. Ngày trước ở Nhị Bình, nhà tường mái ngói, đường nhựa hiếm lắm, nhưng nay nhìn những con đường quanh nông thôn, không trải nhựa thì cũng bê tông hóa, nhà mái ngói tường xây đã trở nên phổ biến”.

Không thể kể hết những tấm lòng người dân sẵn sàng hiến đất, góp của góp công cho các công trình nông thôn mới. Chỉ tính riêng ở huyện Cần Giờ, đã có 1.765 hộ dân tham gia hiến 339.298,3m² đất với tổng trị giá hơn 62 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, công trình phục vụ đi lại và sản xuất. Ở huyện Bình Chánh, 2.709 hộ dân đã hiến 193.642m² đất mở rộng đường giao thông, tổng giá trị ước tính gần 174 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tại huyện Bình Chánh cũng đóng góp kinh phí bê tông hóa, đặt cống thoát  nước, dặm vá 334 hẻm giao thông (hơn 82km) với tổng kinh phí hơn 66,5 tỷ đồng. 

Ở huyện Nhà Bè, các xã đã vận động 1.803 hộ dân hiến đất mở rộng 106 tuyến hẻm, đóng góp hơn 13.817 ngày công lao động, ngoài ra còn vận động nhân dân duy tu, sửa chữa đường nông thôn có 106 tuyến hẻm với tổng số tiền gần 32,5 tỷ đồng. Trong đó, tổng diện tích đất do nhân dân hiến để thực hiện các công trình là 96.063,5m².

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy: Nhân dân ủng hộ, chương trình mới thành công


Một trong những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở TPHCM trong 10 năm qua là phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia. Người dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, nông thôn mới có bền vững hay không, phải có sự ủng hộ, vào cuộc của người dân. Người dân phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng.

Mọi vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới phải được công khai, minh bạch, dân chủ và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, đặc biệt ở 2 lĩnh vực là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 5 huyện gắn với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố. Tại TPHCM, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã tạo được hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng cũng chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.


(sggp.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất