Thứ Năm, 19/12/2024
“Dân vận khéo” là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tháp Mười

 


Đổi mới phương pháp vận động

Huyện Tháp Mười được tỉnh Đồng Tháp chọn xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Để công tác dân vận mang lại hiệu quả tích cực nhất, Đảng bộ huyện đã mạnh dạn nêu ra những hạn chế như: công tác dân vận chưa thật sự đi trước một bước, trong cách nghĩ, cách làm còn nhiều vấn đề lúng túng; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, hiệu quả hoạt động của một số cán bộ làm công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua khác chưa sâu rộng và sức lan tỏa chưa cao.

Để khắc phục tình trạng trên, Huyện ủy Tháp Mười đề ra những giải pháp trọng tâm trong công tác vận động quần chúng. Theo đó, Huyện ủy tập trung đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Ban Dân vận Huyện ủy hướng dẫn đảng ủy xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong xây dựng NTM; lồng ghép nội dung xây dựng NTM vào các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các chi tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới nội dung công tác tuyên truyền. Qua đó, nhiều mô hình mới xuất hiện góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của huyện. Nội dung, hình thức phong trào thi đua yêu nước sát thực tế tại cộng đồng dân cư, mô hình “Khởi nghiệp”, sổ tay hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM”, “Tổ nhân dân tự quản”, “Hội quán” bước đầu hoạt động có hiệu quả. Từ đó, các tầng lớp nhân dân phát huy ý thức “Tự lực - Hợp tác - Chăm chỉ” trong lao động sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện tốt chủ trương cần có sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, với quyết tâm chính trị cao, có giải pháp chỉ đạo cụ thể, sát thực tế, chủ động và sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội và sự hưởng ứng tích cực của người dân; trong đó gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận là “bí quyết thành công” được các cấp ủy trong huyện rút ra từ thực tế.

Sức mạnh từ “Dân vận khéo”

Bên cạnh việc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong đóng góp xây dựng NTM như: vận động gia đình, người thân làm hàng rào, cổng ngõ, thắp sáng đường quê, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia bảo hiểm y tế..., việc phát huy quy chế dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia bàn bạc, được trực tiếp làm, kiểm tra, giám sát đã khơi dậy tinh thần thi đua đóng góp xây dựng quê hương của người dân Tháp Mười.

Con đường trải nhựa, rộng thẳng tắp với sắc tím, sắc vàng của các loại hoa ở ấp 1, xã Thạnh Lợi thay cho con đường nhỏ, mịt mù bụi vào mùa nắng, lầy lội, không thể lưu thông, vận chuyển hàng hóa vào mùa mưa, trước đây là con đường “Dân vận khéo” do người dân hiến đất làm đường và trồng hoa. Đầu tiên phải kể đến sự đóng góp của ông Phan Thanh Hồng, ông đã hiến 1ha đất của gia đình để làm lộ nông thôn. Ông chia sẻ, 1ha đất là số tài sản rất lớn và vô cùng quý giá đối với người nông dân. Nhưng đối với sự phát triển kinh tế, tinh thần của người dân địa phương thì càng quý hơn. Vì vậy, ông tự nguyện hiến đất làm đường để bà con nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế và đạt tiêu chí xã, huyện NTM. Hay như Cựu chiến binh Lê Văn Hồng ở ấp 5, xã Mỹ Hòa, mặc dù là hộ cận nghèo, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng khi địa phương vận động đóng góp xây dựng NTM, ông tình nguyện hiến 323m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Điều đáng quý ở người Cựu chiến binh này, dù là hộ cận nghèo nhưng ông vẫn hiến gần một nửa diện tích đất của gia đình để xây dựng nhà văn hóa. Và còn rất nhiều người dân đóng góp sức người, sức của sẵn sàng hiến đất, vật kiến trúc, ngày công lao động, tiền của... để làm đường, bắc cầu, cất nhà cho hộ nghèo, xóa nhà tạm...

Kết quả, trong gần 10 năm qua đã huy động vốn nhân dân đóng góp 1.010 tỷ đồng cho xây dựng NTM; đã xây dựng mới 171 cây cầu bê tông; thắp sáng đường quê được 293,8km, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết (2.243 căn); vận động xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh (3.115 cái), hàng chục ngàn ngày công lao động, hàng trăm ngàn mét vuông đất được hiến làm đường và các công trình công cộng. Nhiều mô hình tham gia xây dựng NTM của các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên... cùng người dân hưởng ứng như mô hình ”5 không, 3 sạch”, ”3 hộ khá giúp đỡ 1 hộ nghèo”; các mô hình liên kết sản xuất; phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện cuối năm 2019 đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm, tăng trên 28 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 11,97% của năm 2011 giảm còn 2,45% năm 2019; trường học, nhà văn hóa ấp, xã, trạm y tế được xây dựng khang trang, môi trường xanh, sạch, đẹp... tất cả đều có sự chung tay góp sức của người dân, giúp cho 12 xã của huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM, huyện hoàn thành tiêu chí huyện NTM trong năm 2019 trình tỉnh và Trung ương thẩm định hoàn thành vào năm 2020. Đặc biệt là trong cuộc điều tra về sự hài lòng của người dân trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của huyện Tháp Mười do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thực hiện, có trên 98% số hộ được lấy ý kiến hài lòng về kết quả xây dựng NTM của huyện.

Một trong những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở Tháp Mười trong 10 năm qua là phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia. Người dân là chủ thể quan trọng, tham gia đóng góp và hưởng lợi từ sự đóng góp của mình. NTM có bền vững hay không, phải có sự ủng hộ vào cuộc của người dân. Người dân phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng. Mọi vấn đề liên quan đến xây dựng NTM phải được công khai, minh bạch, dân chủ và lấy ý kiến rộng rãi trong dân. Bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng cũng chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng NTM bền vững.

Hiệu quả của công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Tháp Mười đã góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp cho Đảng bộ huyện Tháp Mười xây dựng hoàn thành huyện NTM về sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đảng bộ đề ra. Thời gian tới, Huyện ủy Tháp Mười tiếp tục phát huy vai trò tự quản của người dân tham gia xây dựng, nâng chất các tiêu chí NTM, xây dựng các xã NTM nâng cao và tiến tới kiểu mẫu, nhất là hưởng ứng “Năm dân vận khéo” 2020 do Ban Dân vận Trung ương phát động.

(baodongthap.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất