Thứ Sáu, 26/4/2024
10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020: kết quả và bài học kinh nghiệm

Sau 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được một số thành tựu. Đó là:

Làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn;  có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi cả nước. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.


 Tuyến đường tại xã Bắc Hòa, huyện Tân Thanh, tỉnh Long An nhờ thực hiện Chương trình Nông thôn mới đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp

Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019, khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp.

Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 38,1% năm 2018, thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng, chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2019. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định. Đã hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền. Dần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi ngày càng phát triển. Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông thôn với doanh nghiệp. Đến hết năm 2019, cả nước đã có 15.363 HTX và 36.822 tổ hợp tác. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng phát triển nhanh chóng góp phần việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay cả nước đã có 1.610 sản phẩm OCOP. Nông nghiệp ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư.

Chương trình NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với hơn 2,4 triệu tỷ đồng trong 9 năm (bình quân khoảng 260 ngàn tỷ đồng/năm), trong đó mức huy động xã hội chiếm đến 72,3%, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng, người dân (công sức, hiến đất…). Trong 10 năm thực hiện Chương trình, người dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hàng vạn km đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng không phải đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trong 10 năm triển khai, Chương trình NTM là chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 717 Văn phòng điều phối (cấp tỉnh, huyện) và 8.041 cán bộ xã chuyên trách và kiêm nhiệm về NTM; gần 100% các thôn bản đã thành lập ban phát triển thôn. Vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở được nâng cao, phát huy được hiệu quả, bám sát hơn với thực tiễn, hình thành nhiều mô hình tiêu biểu và có sức lan tỏa lớn.

Hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong cả giai đoạn 2010 – 2010, đã có 4 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 13 Nghị quyết của Chính phủ, 54 Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 106 Quyết định, Thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện và tạo nền tảng vững chắc và là đòn bẩy để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Chương trình NTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Một số vùng tỷ lệ xã đạt NTM cao như Vùng đồng bằng sông Hồng (90,7%), Đông Nam Bộ (79,2%), trong khi đó một số vùng tỷ lệ xã đạt NTM còn thấp như miền núi phía Bắc (31,9%), Tây Nguyên (43,5%). Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp dưới 25% như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum.

Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải của các khu công nghiệp, làng nghề. Đa số chất thải rắn chưa được thu gom xử lý triệt để, nước thải nông thôn chưa được thu gom làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở một số địa phương đang dần bị mai một, các tệ nạn xã hội ở nông thôn vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.

Một số địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chưa chú trọng đến phát triển kinh tế nông thôn. Tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nông thôn, thu mua nông sản, chế biến và cơ giới hóa còn chưa đồng bộ; áp dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Ở một số địa phương, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn chưa thực sự được phát huy. Do đó, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện và nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng NTM. Một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM của một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình; hoạt động của một số Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, công tác huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình còn một số hạn chế. Nhiều địa phương tập trung đầu tư nhiều cho giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng một số nội dung tác động trực tiếp đến đời sống của người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường… lại chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực được ưu tiên nhiều cho các xã phấn đấu về đích mà thiếu tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, đặc thù có suất đầu tư lớn và khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và cư dân thấp.

Từ những thành tựu và tồn tại trên từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đã có những  kinh nghiệm được rút ra như sau:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành cần được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ việc tuyên truyền được chú trọng nên đã hình thành phong trào hành động ở địa phương, huy động được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Thứ hai, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng NTM ở địa phương. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân, tính gương mẫu, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên. Điều này quyết định đến sự thành công của xây dựng NTM ở địa phương.

Thứ tư, tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM phải từ cơ sở, từ nhu cầu thiết thực của người dân và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ đạo, điều hành.

 Quang Huy

 

 

 

 

 

 

         

 



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất