Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đến hết quý I/2020, cả nước có 5.064 xã (đạt 57%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tăng 39,9% so với cuối năm 2015 và vượt 7% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020)
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 90,7%, miền núi phía Bắc đạt 32%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 51,6% đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Trên cả nước có 9 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Cần Thơ; trong đó, 2 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đáng lưu ý là trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 109/125 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135; 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã; tăng 2,7 tiêu chí so với cuối năm 2015, tăng 11 tiêu chí so với năm 2020 và hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 04/7 vùng và 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cả nước đã có 124/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 18,7% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, tính đến hết quý I/2020 tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình trong 05 năm dự kiến khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm 6,6% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,3% lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp (sức lực, nguyên vật liệu xây dựng, hiến đất…) để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy gần 85% số hộ nông thôn hài lòng về xây dựng nông thôn mới, chỉ có gần 1% số hộ không hài lòng. Trong số các đối tượng khảo sát có 50% số mẫu thuộc các xã khó khăn, chưa đạt chuẩn nông thôn mới nên có thể thấy đây là kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới gần 10 năm qua.
Còn theo tổng hợp của Ban Dân vận Trung ương, gần 93% người dân nông thôn biết về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ cao nhất trong 6 chương trình đang được triển khai tại cơ sở là: xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bà mẹ, trẻ em.
Đặc biệt, qua kết quả lấy ý kiến người dân của gần 120 đơn vị cấp huyện xét đạt chuẩn nông thôn mới thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 94 - 99%. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt. 80 - 90% số hộ dân ý thức rõ về chủ trương, nguyên lý, cơ chế hỗ trợ và nội dung xây dựng nông thôn mới./.
Huyền Trang