Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau chú trọng thực hiện có hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững…
Phú Tân là huyện thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; ban đầu, một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ thực tế đó, Huyện ủy Phú Tân xác định thực hiện tốt công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện chú trọng thực hiện có hiệu quả. Trước tiên, Huyện ủy Phú Tân đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về giao trách nhiệm đảng viên, cán bộ, hội viên hoàn thành tiêu chí nông thôn mới gắn với văn minh đô thị, làm trọng tâm thực hiện. Trong đó, gắn liền việc phân giao trách nhiệm và phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy để tiên phong cho đảng viên, quần chúng. Lấy hiệu quả việc thực hiện nghị quyết làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời, mỗi đảng viên phải có một mô hình cụ thể để tăng thu nhập và kèm cặp, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm theo. Thành quả đầu tiên từ xã nông thôn mới Tân Hải là minh chứng, bởi Tân Hải từng là xã “5 không”. Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương và hơn hết là phát huy tốt nội lực, đến năm 2015, xã được công nhận xã nông thôn mới.
Đồng chí Huỳnh Công, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phú Tân cho biết: “Phương châm của huyện Phú Tân trong xây dựng nông thôn mới: Đảng là chủ đạo, Nhà nước chủ lực, MTTQ và các đoàn thể chủ trì, nhân dân là chủ thể thực hiện và hưởng thụ. Đã qua, cán bộ mỗi địa phương không đơn thuần là chỉ đạo cấp dưới thực hiện mà mỗi tuần xuống ấp 1 - 2 ngày, xắn tay và cùng dân làm nông thôn mới. Từ chỗ gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con, thắt nút chỗ nào xở gỡ ngay chỗ ấy, mà công tác dân vận xây dựng nông thôn mới đã thực sự phát huy hiệu quả”.
Ông Nguyễn Văn Chiến, cựu chiến binh ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo: “Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, hầu như mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân như máu thịt; cán bộ không chỉ ngồi phòng lạnh chỉ việc mà phải rong ruổi trên các tuyến đường, đến nhà dân khảo sát, hỏi ý kiến. Nhận thức được mục đích cuối cùng là làm thế nào để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhân dân rất phấn khởi khi mình được tôn trọng, từ đó đồng lòng cùng chính quyền địa phương làm nông thôn mới”.
Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có gần 300 mô hình “Dân vận khéo”: Phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị... Việc huy động nguồn vốn, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp có sự phối hợp đồng bộ, tích cực vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khá, giàu trong và ngoài huyện có điều kiện tích cực ủng hộ. 3 năm gần đây, huyện đã vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng và Phú Mỹ). So trước khi có Kế hoạch số 09 của Ban Dân vận Tỉnh ủy, tăng hơn 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoàng Phong